Chủ động định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh
Doanh nghiệp chủ động lựa chọn tăng trưởng xanh
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Học viện Doanh nhân MVV cho rằng, để cạnh tranh xu hướng xanh hóa đang phát triển mạnh mẽ hiện nay thì hoạt động phát triển thương hiệu xanh đang ngày càng phổ biến. Tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam bắt kịp thế giới. Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) được xác định là nhân tố trọng tâm; Khá nhiều DN đã đầu tư sản xuất, sử dụng năng lượng sạch để cho ra đời sản phẩm xanh sạch, gắn với phát triển bền vững.
Đáng chú ý, theo ông Sơn, hiện nhiều DN nhận ra tăng trưởng nóng đi kèm nhiều hệ lụy và khách hàng cũng ngày càng nhạy cảm hơn với trách nhiệm của DN trong sự phát triển bền vững.
Kết quả khảo sát được bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc NielsenIQ đưa ra cũng cho thấy, bền vững là một trong những giá trị mới được khách hàng quan tâm sau COVID-19. Cụ thể, 69% khách hàng đánh giá tính bền vững quan trọng hơn trong lựa chọn sản phẩm, tăng nhiều hơn so các năm trước và 77% khách hàng sẽ ngừng sử dụng sản phẩm nếu chủ thương hiệu chỉ nói hay mà làm không hay (trong vấn đề bảo vệ môi trường).
Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Điều phối Dự án phát triển bền vững (Tập đoàn TH) cho biết, chiến lược xanh là chiến lược kinh doanh bài bản mà DN cần có sự nỗ lực cam kết theo đuổi. TH đã tạo ra 1 hướng đi mới trong chăn nuôi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường như sử dụng phần mềm chăn nuôi trồng trọt từ Israel, phần mềm quản lý thú y của New Zealand và có các sáng kiến giảm phát thải cacbon như sử dụng năng lượng tái tạo trên hệ thống chuồng trại. “Ứng dụng kinh tế xanh tuần hoàn xuyên suốt trong các hoạt động kinh doanh từ ngày đầu thành lập và góp phần định vị một thương hiệu bền vững cho Tập đoàn” - bà Thủy nói.
Ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, việc phát triển xanh và bền vững ngày càng quan trọng trong quá trình định vị thương hiệu. Nhưng những hoạt động hướng đến mục tiêu này cần được sự ủng hộ từ Chính phủ. Ví dụ, theo khảo sát của Brand Finance, Phần Lan và Bangladesh có sự nhận diện thương hiệu quốc gia như nhau, trong khi Phần Lan có quy mô dân số rất nhỏ.
Phần Lan được biết đến từ thương hiệu Nokia, do đó, việc kể câu chuyện về quốc gia của mình rất quan trọng. Phần Lan kể câu chuyện của mình là quốc gia Bắc Âu thân thiện. Theo ông Alex Haigh, Việt Nam đang vô tình tạo ra câu chuyện thanh niên Việt Nam khát khao làm giàu để kể với thế giới “nhưng câu chuyện phát triển bền vững và xanh có thể trở thành lợi thế đưa Việt Nam thành quốc gia chủ động trong phát triển bền vững hay nói cách khác, phát triển bền vững là sẽ công cụ tạo uy tín tốt cho Việt Nam” - ông Alex Haigh gợi ý.
Chuyển đổi theo lộ trình phù hợp
Theo ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, muốn định vị thương hiệu Việt Nam xanh thì việc đầu tiên cần phải ứng dụng trong sản xuất hàng hóa và tích hợp quyền sở hữu trí tuệ trong chiến lược của DN. Chuyển đổi xanh không chỉ là vấn đề về trách nhiệm xã hội của DN mà còn là sự sống còn của DN bởi nếu không bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh hợp lý, DN sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Tuy nhiên, cách thức chuyển đổi không hề dễ, phải bắt đầu việc chuyển đổi từ quá trình quản lý DN, phát triển sản phẩm; Hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng công nghệ mới, việc xanh hóa bắt đầu từ nguyên vật liệu, máy móc thiết bị. Đây chính là “chìa khóa” thành công cho DN. “Chắc chắn DN phải tiến hành phát triển xanh trong từng quá trình, tùy thuộc vào mức độ phát triển của từng DN bởi không phải DN nào cũng có tầm nhìn và điều kiện kinh tế để chuyển đổi ngay. Do đó, phải có lộ trình tương ứng nhưng cũng cần có những tiêu chí điển hình để mọi DN có thể nhìn thấy, đưa vào quá trình phát triển DN và chuyển hướng sản xuất xanh” - ông Hồng nói.
GS Robert McClelland - Trưởng khoa Kinh doanh, Đại học Rmit cho rằng xu hướng xanh là vấn đề lớn và quan trọng hàng đầu hiện nay. Khi chuyển đổi mô hình sản xuất xanh thì cần phải đưa ra những dấu chân xanh, ấn tượng xanh… thực hiện từ những điều nhỏ đến lớn. Ví dụ, có thể bắt đầu từ bao bì sản phẩm như thay vì sử dụng nhựa, DN nên dùng bao bì tái chế được hoặc lựa chọn sử dụng nhiên liệu sạch cho xe cộ; Tiếp theo có thể chuyển đổi đầu tư vào công nghệ để sản xuất xanh. Điều này không chỉ tăng cường danh tiếng, thương hiệu công ty với khách hàng tiềm năng mà còn tiết kiệm cho DN.
Thương hiệu doanh nghiệp gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia
Ngày 20/4, phát biểu tại Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia với chủ đề "Định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia (THQG) và là THQG có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022. Cụ thể, theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị THQG Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).
Trong Top 50 Thương hiệu DN giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều DN có sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Nếu như năm 2018 mới có 14 DN THQG Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 DN, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ DN có sản phẩm đạt THQG Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.
Kết quả trên cho thấy các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng. Đồng thời, kết quả cũng chứng tỏ các DN THQG Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị THQG Việt Nam.