Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023
Theo Đặc phái viên TTXVN, từ ngày 14-16/11, tại Trung tâm Hội nghị Moscone, San Francisco, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2023 với sự tham dự của gần 2.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và trường đại học trong khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực, được tổ chức hằng năm nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo APEC.
Với chủ đề “Kiến tạo các cơ hội kinh tế: Bền vững, Bao trùm, Tự cường, Sáng tạo," Hội nghị năm nay gồm 20 phiên thảo luận, tập trung vào các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp như: tình hình kinh tế thế giới, địa chính trị toàn cầu, chính sách thương mại vì bao trùm và bền vững, vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi, nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp trong một thế giới khủng hoảng, vai trò của Đổi mới Sáng tạo, tương lai của Trí tuệ Nhân tạo, xây dựng hệ sinh thái cho ý tưởng sáng tạo.
Trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023, chiều 15/11 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Chile Gabriel Boric, Tổng thống Peru Dina Boluarte, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim là những khách mời danh dự của hội nghị năm nay.
Phát biều định hướng cho phiên thảo luận về “Tăng trưởng bền vững và bao trùm," Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ ra 4 mâu thuẫn lớn của kinh tế thế giới hiện nay.
Một là kinh tế tăng trưởng, của cải ngày càng nhiều nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng và tàn phá môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Hai là sau hơn 3 thập kỷ thế giới hưởng lợi từ toàn cầu hóa và hình thành nên mạng lưới quan hệ kinh tế quốc tế đan xen lợi ích, phụ thuộc lẫn nhau thì xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ.
Ba là khoa học-công nghệ phát triển nhanh chóng vượt bậc, với sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khung khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia; khoa học-công nghệ đem đến cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Bốn là các nền kinh tế theo đuổi mô hình tăng trưởng khuyến khích tiêu dùng, thậm chí tiêu dùng quá mức nhưng lại không thể huy động đủ nguồn lực cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Chủ tịch nước nhấn mạnh để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu cao cả đã đề ra, cần một tư duy mới bao trùm, hài hòa và nhân văn.
Thứ nhất, phải bảo đảm mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Thứ hai, duy trì nền kinh tế thế giới mở, kết nối song hành với bảo đảm an ninh kinh tế của các quốc gia.
Thứ ba, quản trị toàn cầu về công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học) không chỉ hướng đến quản lý sự phát triển của các loại công nghệ, mà còn phải giải quyết các hệ quả kinh tế-xã hội, văn hóa, chính trị từ quá trình này.
Thứ tư, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Theo Chủ tịch nước, APEC đã luôn là “vườn ươm” các ý tưởng liên kết kinh tế, đặt nền móng cho các thoả thuận hợp tác toàn cầu. APEC cũng đi đầu trong thúc đẩy Tăng trưởng Xanh, ứng phó thiên tai, ủng hộ mạnh mẽ cho bình đẳng giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Trong những thành công đó luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Chủ tịch nước cho rằng cộng đồng doanh nghiệp luôn là một phần quan trọng của tiến trình APEC, đóng góp tích cực xây dựng và thực thi chính sách cũng như thúc đẩy các ý tưởng mới, tư duy mới.
Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong thực hiện cam kết về phát triển bền vững, theo đuổi các mục tiêu dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội; tăng cường đầu tư vào khoa học-công nghệ, đầu tư vào con người, đầu tư xây dựng các cộng đồng bao trùm, tự cường.
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương quan điểm và chính sách phát triển của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tất cả người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải được tiến hành ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Với quan điểm đó, Việt Nam đang triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp: một là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; hai là, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển đổi xanh hướng tới các mục tiêu, cam kết toàn cầu về khí hậu; ba là, tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ phân biệt trong xã hội.
Chủ tịch nước khẳng định để thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc tham vấn, đề xuất chính sách và ý tưởng đầu tư mới; chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới; và thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển.
Với chủ trương lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: khoa học - công nghệ, Đổi mới Sáng tạo; (ii) Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, Kinh tế Tuần hoàn, Kinh tế Tri thức; linh kiện điện tử, ôtô điện...; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; phát triển trung tâm tài chính, tài chính xanh; và công nghệ sinh học, y tế...
Chủ tịch nước nhấn mạnh thành công của APEC chỉ có thể đạt được trên cơ sở quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa các thành viên, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân và khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân./.