Chủ tịch Quốc hội: Phải giải quyết dứt điểm tồn đọng của các dự án PPP trong năm 2023
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu một số nhiệm vụ chính như tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông vận tải bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các địa phương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; bảo đảm nguồn vật liệu trong quá trình triển khai các dự án.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, áp dụng linh hoạt các hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tư công – tư PPP, phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực. Nghiên cứu các giải pháp hiệu quả để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông khi đưa vào khai thác. Trong năm 2023 làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết dứt điểm các tồn đọng của các dự án PPP.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hiệu quả trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Việc thí điểm nếu có các nội dung khác với quy định pháp luật phải được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy, đường sắt, phát triển ngành logistic để giảm chi phi logistic cho doanh nghiệp, tăng tỷ trọng logistic trong GDP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong thiết kế, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn… Triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện.
Chủ trì xây dựng dự án Luật Đường bộ theo phân công của Chính phủ; phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Nghiên cứu các giải pháp chống ùn tắc ngay từ khi tổ chức thực hiện các quy hoạch. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thu phí không dừng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông gắn với giải pháp xử lý dứt điểm các điểm đen tiềm ẩn tai nạn. Tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực do ngành Giao thông vận tải phụ trách, trước hết và trọng điểm là lĩnh vực đăng kiểm…
Trước đó, vào đầu phiên chất vấn sáng 8/6, vấn đề đăng kiểm vẫn tiếp tục làm nóng nghị trường với nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời tranh luận của Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) về trách nhiệm của Bộ trong việc chậm phản ứng, khiến các Trung tâm đăng kiểm chậm hoạt động trở lại do thiếu đăng kiểm viên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như các Trung tâm đăng kiểm là một sự cố hết sức đau xót đối với lĩnh vực đăng kiểm nói riêng cũng như ngành Giao thông vận tải nói chung. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng với Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do Công an các địa phương thực hiện, không phải là Bộ Công an. Về nguyên tắc điều tra, không trao đổi trước với Bộ Giao thông vận tải. Do vậy, với tinh thần khi xảy ra ở đâu, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để có phương án giải quyết. Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện, việc thu giữ máy móc, thiết bị và tài liệu niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra có thể làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho trung tâm đăng kiểm để để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.
Tuy nhiên, 75% trung tâm đăng kiểm là của các doanh nghiệp tư nhân nên không phải muốn khôi phục lại là khôi phục được. Đặc biệt, lực lượng bị khởi tố, bắt giam ở các trung tâm đăng kiểm chủ yếu là nhân lực chủ chốt, đăng kiểm viên bậc cao, thường mỗi trung tâm chỉ có một người và thường giữ vai trò lãnh đạo của trung tâm.
Về trách nhiệm, ngay từ đầu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo khi xảy ra các vụ việc tại các trung tâm đăng kiểm về các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định sửa đổi 139, như vậy các điều kiện liên quan đến hoạt động của trung tâm đăng kiểm cơ bản được đảm bảo.