1. Trang chủ /
  2. Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật”: Nhân rộng ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật

Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật”: Nhân rộng ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật

thứ ba, 24/10/2023 10:58 GMT+07
Hướng tới Lễ tôn vinh ”Gương sáng Pháp luật” năm 2023, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng các “Gương sáng Pháp luật” năm 2021 và ghi nhận những đề xuất, mong muốn của các tấm gương gửi gắm đến Ban Tổ chức Chương trình bình chọn, vinh danh.
Lễ tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” năm 2021.

Nhìn lại Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” (GSPL) năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến công tác triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, vượt lên tất cả với mong muốn lan tỏa những hình ảnh đẹp, việc làm tốt, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, sự quyết tâm của Ban Tổ chức, sự ủng hộ của các ban, ngành, địa phương, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam tại các văn phòng đại diện ở khắp mọi miền Tổ quốc đã dày công nghiên cứu hồ sơ các nhân vật, lặn lội đến nhiều địa bàn khó khăn - nơi sinh sống, làm việc của những tấm gương để tác nghiệp.

Kết thúc Chương trình đã có hàng trăm bài viết về các nhân vật với sự đa dạng về thành phần, phong phú về nghề nghiệp và sống trên mọi miền của Tổ quốc. Điển hình như nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý; nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh; ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; GS Hoàng Chí Bảo; Luật sư Trần Hữu Huỳnh; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm; PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế); doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn…

Dự Lễ tôn vinh năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã nhấn mạnh, trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 có điểm nhấn nổi bật chính là Chương trình bình chọn, tôn vinh GSPL. Nhiều tấm gương được Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải đã tạo được sức hút, sức lan tỏa lớn, có tầm ảnh hưởng trong dư luận xã hội.

Từ thành công của chương trình năm 2021, Ban Tổ chức tiếp tục thực hiện Chương trình bình chọn, tôn vinh GSPL năm 2023 (dự kiến buổi lễ tôn vinh diễn ra trong tháng 11) nhằm nhân rộng và lan tỏa hơn nữa ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần để cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ luật pháp.

GS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên Hợp quốc
GS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên Hợp quốc

GS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao - thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên Hợp quốc: Tạo sức lan tỏa rộng lớn trong thời đại toàn cầu

Chương trình vinh danh GSPL do Báo Pháp luật Việt Nam triển khai theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp là sự hưởng ứng thiết thực Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) hàng năm và thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; qua đó, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục tinh thần yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ở đâu có xã hội, ở đó có pháp luật. Pháp luật quốc gia điều chỉnh hành vi con người để hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu, nhân rộng cái tốt. Một hành động, một cử chỉ cao đẹp trong thực thi pháp luật có sức lan tỏa rộng lớn, nhất là trong thời đại toàn cầu. Vì vậy, việc lựa chọn tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật không chỉ là sản phẩm riêng của Việt Nam mà đang diễn ra khắp nơi trên trường quốc tế thông qua các giải thưởng vì hòa bình, vì môi trường.

Chúng ta cần học tập kinh nghiệm thế giới, phát huy và tôn trọng những phẩm chất đặc thù trong đạo đức xã hội Việt Nam. Việc bình chọn nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật bằng việc động viên những cá nhân tiêu biểu, nhân vật điển hình trong xây dựng và thực hiện pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là việc làm có ý nghĩa. GSPL chỉ có thể thiết thực khi dựa trên các nguyên tắc khách quan, minh bạch, thượng tôn pháp luật trong lựa chọn cá nhân và tập thể tiêu biểu, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, xây dựng, tổ chức và thực thi pháp luật quốc gia và quốc tế.

Với ý nghĩa đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến GSPL do Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức hàng năm nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: “Trước khi phàn nàn về bóng tối, mỗi người hãy bật lên một que diêm…”

Năm 2021, Báo Pháp luật Việt Nam - Bộ Tư pháp đã có sáng kiến tổ chức Chương trình vinh danh GSPL. Đây là sáng kiến rất phù hợp, kịp thời với thực tế, bởi Việt Nam có một đặc trưng là ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật mà ít quốc gia trên thế giới có.

Việc ban hành Luật này có ý nghĩa sâu xa là Việt Nam vừa thực hiện đổi mới vừa là quốc gia tích cực hội nhập toàn diện, đặc biệt về thương mại bao gồm cả pháp luật thương mại quốc tế. Việc này đòi hỏi hệ thống pháp luật của chúng ta cần phải sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với nền kinh tế thị trường, tương thích với pháp luật quốc tế trên mọi lĩnh vực, kinh tế, văn hóa, xã hội… Không những thế, các chính sách pháp luật cần phải được thực thi một cách nhanh chóng, hiệu quả trong cuộc sống…

Cùng với Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong hàng chục năm qua, Bộ Tư pháp đã có cố gắng lớn trong việc góp phần xây dựng hoàn thiện pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà Chương trình vinh danh GSPL là một trong các sáng kiến đó bởi không có gì hiệu quả hơn là thông qua hoạt động vinh danh để nâng cao tác dụng lan tỏa của các GSPL.

Nhìn lại Chương trình vinh danh GSPL năm 2021, tôi thấy nổi lên hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, những gương sáng được tôn vinh là những người cả cuộc đời đã kiên trì tham gia góp ý xây dựng pháp luật hoặc thực thi pháp luật, đặc biệt là những người có nhiều nỗ lực, sáng tạo được xã hội ghi nhận. Thứ hai là những gương sáng có những hành động dũng cảm, dám xả thân trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”. Đây là những gương sáng rất thuyết phục.

Qua theo dõi, tôi thấy các gương sáng này có ảnh hưởng lớn, có sức lan tỏa. Bởi phương châm của chúng ta là “vừa chống, vừa xây”. Chúng ta đang tích cực chống những hành động tiêu cực, những hành vi “cài cắm” lợi dụng, trục lợi trong xây dựng chính sách thì những GSPL trong xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật góp phần làm hạn chế, giúp cho quá trình chống tiêu cực có hiệu quả hơn. Mặt khác, việc vinh danh các GSPL đã có tác động lan tỏa lớn trong việc khuyến khích, cổ vũ cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân trong việc xây dựng và thực thi pháp luật… Tôi cho rằng Chương trình bình chọn GSPL nên đi theo hướng đó, cần tôn vinh những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, miễn là vì lợi ích chung, không có động cơ cá nhân…

Trước thềm Lễ vinh danh GSPL năm 2023, chúng tôi mong muốn cùng với thời gian, Chương trình bình chọn, tôn vinh GSPL là hoạt động thường xuyên để lan tỏa những những việc làm tốt đẹp như chúng ta vẫn thường nói với nhau: “Trước khi phàn nàn về bóng tối, mỗi người hãy bật lên một que diêm”, để bằng cố gắng của các cá nhân, tổ chức, chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, thi hành pháp luật hiệu quả hơn.