1. Trang chủ /
  2. Chương trình giao lưu với “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C”

Chương trình giao lưu với “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C”

thứ sáu, 22/3/2024 19:21 GMT+07
Ngày 22/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ các nữ Thanh niên xung phong tuyến đường 1C trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với chủ đề “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C” nhân kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2024); kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2024) và 48 năm Ngày thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh (28/3/1976 - 28/3/2024).
Các nữ thanh niên xung phong giao lưu tại chương trình.

Những năm 1966-1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở khu vực miền Tây Nam Bộ lên cao trào, cả nước tập trung chi viện cho chiến trường miền nam và khu Tây Nam Bộ.

Trong tình hình đó, yêu cầu về vũ khí đạn dược cho chiến trường cần nhiều hơn và để chớp lấy thời cơ khi cần thiết, đường vận chuyển do Đoàn 962 (nay là Lữ Đoàn 962. Lữ Đoàn 962 cùng với Lữ Đoàn 125, Quân chủng Hải quân làm nên con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển") đảm trách.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, phát biểu tại chương trình.

Sau một thời gian hoạt động êm xuôi, địch bắt đầu để ý và phong tỏa. Việc vận chuyển chi viện cho Khu 9 bằng đường biển gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vũ khí và phương tiện chiến tranh chi viện cho miền nam vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn) đã về đến miền Đông Nam Bộ.

Việc nối liền đường vận chuyển từ miền Đông về tận mũi Cà Mau để tiếp nhận hàng chi viện là một vấn đề cấp thiết. Vì vậy, tuyến đường 1C ra đời. Đường 1C nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ Tây Ninh, đi trên đất bạn Campuchia, qua biên giới Việt Nam tại Vĩnh Điều (nay thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kênh Tám Ngàn, Mốp Giăng, qua lộ Cái Sắn... về đến Cái Nứa, Ba Đình (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang).

Cô Đoàn Thị Hồng Thắm (giữa), nguyên Tiểu đội Trưởng Thanh niên xung phong, Thành phố Hồ Chí Minh kể lại những kỷ niệm trên đường 1C huyền thoại.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, trong hơn 800 người làm nên huyền thoại đường 1C, có đến hai phần ba là những cô gái tuổi từ 15 đến 20. Trong vị thế của những người làm chủ núi rừng, làm chủ kênh-rạch, làm chủ chiến trường, một đoàn người trẻ măng, phần lớn là “con gái mảnh mai”, lưng tải hàng, vai mang súng, băng đạn và thủ pháo, lựu đạn thắt quanh người, dãi nắng dầm mưa, ngày đêm lội suối, đã tạo thêm những lối mòn trên đất mẹ, hằn sâu vết chân đi vào lịch sử.

Lực lượng Thanh niên xung phong trên Tuyến đường 1C huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài nhiệm vụ làm làm dân công hỏa tuyến, xây dựng các con đường phục vụ kháng chiến, giao liên dẫn đường cho bộ đội, vận chuyển thư từ, hàng hoá, vận chuyển thương binh về tuyến hậu cần để phục vụ cho tiền tuyến.

Tiết mục văn nghệ do đội Văn nghệ cựu Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn.

Ở nơi được mệnh danh là "Trường Sơn giữa đồng bằng", nơi “sắt thép cũng phải tan chảy”, những bông hoa trên tuyến lửa 1C đã “đưa” hơn 13 ngàn tấn vũ khí cho chiến trường Tây Nam Bộ, đưa cán bộ, phương tiện về khắp các chiến trường khu 9, khu 8. Những người con gái làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1C đã trụ lại và chiến thắng...

Tại chương trình, khán giả đã được gặp gỡ, giao lưu cùng các nữ Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C huyền thoại đến từ các tỉnh, thành Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh. Các cô đã kể lại những kỷ niệm vui buồn trong những ngày tháng ác liệt nhưng đầy tự hào, không thể nào quên.

Đại biểu tham quan triển lãm "Yểu điệu thục nữ".

Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng giới thiệu đến khách tham quan 2 trưng bày chuyên đề: chuyên đề “Yểu điệu thục nữ” là sự phối hợp hoạt động giữa Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cùng các Nhà sưu tập đến từ nam chí bắc và hơn 500 hiện vật từ “Bộ sưu tập trang sức phụ nữ dân tộc của Nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng”.

Hơn 400 thanh niên xung phong 1C đã hy sinh và rất nhiều trong số đó không tìm thấy hài cốt. Có những đơn vị trong một trận chiến đấu, một chuyến đi hoặc một thời gian hoạt động không còn ai sống sót. Có thể nói, tuyến đường IC huyền thoại sẽ luôn là đề tài nghiên cứu trong khoa học quân sự, khoa học về sức mạnh tiềm ẩn của những người phụ nữ Việt Nam “chân yếu tay mềm".


Nguồn: https://nhandan.vn/chuong-trinh-giao-luu-voi-nhung-bong-hoa-tren-tuyen-lua-1c-post801097.html