Chuyên gia đề xuất giảm bậc giá điện sinh hoạt để hạn chế ‘hóa đơn tiền điện gây sốc’
Người dân tiêu thụ điện càng nhiều, doanh thu ngành điện càng lớn
Năm 2022, Tập đoàn Điên lực Việt Nam (EVN) báo lỗ 26.235,78 tỷ đồng, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện từ các năm 2019 - 2022 lên tới 14.725,8 tỷ đồng. Riêng hoạt động sản xuất - kinh doanh điện ghi nhận mức lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Năm 2023, ngành điện dự kiến lỗ thêm 71.620 tỷ đồng, đưa tổng lỗ giai đoạn 2022 - 2023 lên 99.305 tỷ đồng. Với khoản lỗ này, sẽ làm mất 44,8% vốn Nhà nước tại EVN.
Với khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2022 là hơn 26.200 tỉ đồng, Bộ Công Thương cho biết đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và báo cáo Thủ tướng.
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng cho rằng, cần xem xét lại chính sách giá lũy tiến trong giá điện áp dụng cho các hộ gia đình. Chính sách giá này quá cao, lạc hậu trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ, chúng ta khuyến khích sử dụng xe điện thay xe chạy bằng xăng, dầu để giảm phát thải khí ròng như mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết. Như vậy, các hộ gia đình sẽ phải trả tiền điện rất nhiều khi sử dụng xe điện vì chỉ cần nhích lên hơn 100 kWh là số tiền đã nhảy bậc rất cao. Vì vậy cần phải điều chỉnh theo hướng nâng cao chỉ số sử dụng ở các bậc đầu tiên và tính giá thấp hơn cho các bậc. Bên cạnh đó, giá điện tái tạo thấp nhưng các nhà sản xuất không được tạo điều kiện để kết nối, phát triển.
Hiện giá điện được xác định dựa trên bán lẻ điện bình quân đang được xác định dựa trên Quyết định 24/2017 của Thủ tướng. Mức giá này bao gồm đầy đủ các chi phí đầu vào như phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành… nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư, thực hiện phúc lợi xã hội và hoạt động ổn định, lâu dài.
Tuy nhiên, trên thực tế là dù đã nhiều lần sửa đổi biếu giá bán lẻ điện sinh hoạt (luỹ tiến), song vẫn không thỏa mãn cho người dân. Nguyên nhân là do cách tính giá bán lẻ điện bình quân, khi các cơ quan chức năng chỉ công bố tổng doanh thu và chi phí ngành nhưng không công bố tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc. "Thực tế là biểu giá sinh hoạt luỹ tiến từ trước đến nay chỉ có lên không khi nào xuống, chưa thể hiện rõ sự minh bạch, chưa tuân thủ nguyên tắc là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân" - ông Lâm nói.
Điều này có nghĩa là, theo ông Lâm, tổng doanh thu điện sinh hoạt mà ngành điện có được khi chia cho tổng số kWh điện sử dụng, phải bằng mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt, trong khi trên thực tế, từ bậc 3 trở lên người tiêu dùng phải chịu mức giá lớn hơn giá bình quân, nên nếu tiêu thụ điện càng nhiều thì doanh thu của ngành điện sẽ tăng lên.
Với quan điểm này, vị chuyên gia đề nghị cần áp dụng một mức giá bằng với mức giá bán lẻ điện bình quân đã được phê duyệt. Hoặc có thể áp dụng phương án ba bậc thang, gồm nhóm bậc thấp cần có trợ giá, nhóm bằng giá bình quân và nhóm bậc cao để điều hòa giá.
Cho đến 31/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa thể đàm phán xong giá bán điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời theo yêu cầu của Bộ Công thương. Ngành điện hiện vẫn nhập khẩu với giá 6,95 cent/KWh, trong khi các dự án điện sạch trong nước đã hoàn thành, chỉ yêu cầu bán ra với giá tạm tính khoảng 6,2 cent/KWh nhưng vẫn chưa bán được, nhiều nhà máy "trùm mền", doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang lỗ lớn và đề xuất tăng giá điện.
Biểu giá điện sinh hoạt đã quá lạc hậu
"Việc tăng giá điện ảnh hưởng đến toàn dân và cả nền kinh tế. Tôi cho rằng EVN phải có những công bố chi tiết, cụ thể hơn. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước nên hỏi ý kiến rộng rãi hơn như các chuyên gia trước khi tăng giá điện thì mới công bằng, hợp lý", TS Ngô Đức Lâm nói.
Đồng tình với quan điểm này, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nhận định, giá điện dành cho hoạt động sản xuất của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước. Nếu như EVN không lỗ hay vẫn có lời thì sẽ không bàn đến. Nhưng hiện EVN, tương ứng nhà nước phải lấy ngân sách để bù lỗ thì cũng là từ tiền thuế của người dân. Đó là chưa kể số lượng điện tiêu thụ của các ngành sản xuất kinh doanh chiếm phần lớn nên chăng chỉ cần điều chỉnh, tăng giá bán điện cho khối này là được.
Riêng đối với bảng giá điện sinh hoạt, hiện nhu cầu đời sống của người dân cũng tăng lên và các thiết bị gia dụng, sinh hoạt trong gia đình cũng nhiều hơn. Ví dụ ở các thành phố lớn, nhiều hộ gia đình cũng đã chuyển sang sử dụng bếp từ, bếp hồng ngoại, bếp điện… thay cho bếp gas; máy lạnh cũng sắm nhiều hơn nên lượng điện sử dụng phải tăng cao. Trong khi đó, bảng giá điện sinh hoạt lũy tiến đang áp dụng các bậc quá dày, không còn hợp lý nữa, cần phải có sự điều chỉnh.
GS-TSKH Trần Đình Long, Hội Điện lực cho rằng các thang giá điện thay đổi thế nào cũng phải bảo đảm khoảng cách tăng giữa các bậc hợp lý, không chênh lệch quá lớn gây lo lắng cho người tiêu dùng. GS Long đề xuất, để việc tính giá điện hiệu quả và chính xác, bảo đảm công bằng hơn, nên tính mức điện tiêu thụ theo đầu người, thay vì theo hộ. Bởi trong thực tế sẽ có hộ đông người, hộ ít người. Có hộ trên chục người, nhưng cũng có hộ chỉ 1 - 2 người. Tính giá điện theo bậc thang lại áp theo hộ sẽ rất thiệt thòi cho hộ gia đình đông con. Hơn nữa, biểu giá điện tính theo bậc thang mới tuy giảm số bậc từ 6 xuống 5 bậc, nhưng giá tăng đều từ bậc 2 trở lên sẽ khiến người tiêu dùng bị sốc nếu hộ gia đình có từ 4 thành viên trở lên.