Chuyên gia nêu giải pháp phòng tránh tai nạn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão
Nhiều cây xanh đô thị bị xâm hại
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2023, qua việc rà soát, TP Hà Nội dự kiến cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị. Trong đó, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 278.600 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ thấp độ cao khoảng 69.400 cây. Khu vực TP quản lý khoảng 199.500 cây; khu vực cấp huyện quản lý khoảng 148.500 cây.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1,16 triệu cây bóng mát. Trong đó, cấp thành phố đang quản lý, duy trì khoảng 800.000 cây trên 761 tuyến đường, phố tại 12 quận và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên tỉnh, đại lộ và 5 công viên lớn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng cao, do đó các cơn bão cũng bất thường hơn và khó đoán định hơn, vì vậy cần đặc biệt chú ý công tác bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão.
Thực tế, trong môi trường đô thị, không gian sống của cây xanh bị thu hẹp, dễ bị xâm hại. Vì vậy, nhiều cây phát triển cong queo, lệch tán, nghiêng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng tạo ra những trận lốc xoáy rất khó lường, làm gãy, đổ cây. Tình trạng cây xanh bị bức tử ở những tuyến phố lớn của Hà Nội vẫn đang nhức nhối.
Người ta đóng đinh vào cây, treo đồ, treo biển hiệu, chăng dây lên thân cây… ảnh hưởng không nhỏ đến tuổi thọ và an toàn cây xanh, song tình trạng này đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Hải, giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Lâm nghiệp, Các hành vi treo biển, đóng đinh vào thân cây đều làm cây bị chảy nhựa, gây mất sức cây và cũng là điều kiện để nấm bệnh, côn trùng dễ tấn công vào thân cây, ảnh hướng đến sự phát triển và sức sống của cây.
Mỗi một chiếc đinh là một vấn đề nhỏ, tuy nhiên nhiều cái đinh hay những khung sắt lớn được vít vào cây để trưng dụng với nhiều mục đích có thể là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây xanh. Đinh đóng vào cây giống như một vết thương không thể khắc phục, điều đó ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, khả năng chống chịu của cây sẽ yếu đi, dẫn đến sâu bệnh thâm nhập thông qua vết thương đó. Về lâu dài, xung quanh đó là những tế bào chết. Những tế bào chết đó sẽ mở rộng dần và tạo ra sự mục ruỗng gây đổ cây sau này. Những vết thương từ một chiếc đinh nhỏ có thể lan ra thành những vấn đề lớn khi cây xanh phải cùng lúc gồng gánh nhiều nhiệm vụ không phải của mình.
Những biểu hiện lỏng lẻo, dây điện chằng chịt hay sự mục ruỗng âm ỉ từ bên trong có thể gây ra nguy hiểm không chỉ cho cây xanh, mà còn cho cả an toàn giao thông, đặc biệt khi mùa mưa đang tới gần.
Cây mới trồng cần rào chống gãy đổ
Theo PGS.TS Trần Ngọc Hải, để phòng chống cây gãy đổ mùa mưa bão, nhất thiết phải có giàn chống đỡ cho những cây mới trồng hoặc cây lâu năm, cây có dấu hiệu bị sâu hỏng. Kỹ thuật chống cây đô thị là biện pháp nhằm giúp cây đứng vững, chống chịu với mưa bão. Thông thường, các cây trồng trong đô thị nếu đúng chuẩn cây xuất vườn (đường kính gốc 6-8cm, cao 3-4m) thì cần được chống đỡ ít nhất trong 1 năm đầu để cây phát triển ổn định.
Việc trồng những cây di dời có đường kính gốc lớn hơn 10cm thì hệ khung chống cố định cây an toàn phải trên 3 năm để rễ có thời gian bám chắc vào đất. Những cây di dời có đường kính từ 15cm trở lên phải sống với hệ chống trên 6 năm hoặc suốt đời. Tùy độ lớn của cây khi trồng và tùy điều kiện gió bão của từng địa phương mà thời gian chống đỡ có thể lâu hơn. Trường hợp dùng kĩ thuật chống cây bằng sắt và có đai cố định quanh thân thì nên nới đai mỗi năm từ 1-2 lần tùy theo tốc độ phát triển của từng loại cây.
PGS.TS Đặng Văn Đông, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa, cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, khi chọn cây để trồng làm cảnh quan thì phải chú ý chọn loại cây phù hợp với điều kiện sinh thái, tầng đất, phong cảnh, các yếu tố môi trường. Để cây không gãy đổ thì phải trồng đúng kỹ thuật, nơi có tầng đất sâu ít nhất từ 1-2m, rộng khoảng 3-4m. Nếu đó là công trình xây dựng chỉ có cát thì phải đổ đất phù sa, đất thịt vào hố trước khi trồng.
Không trồng cây trong các ô quá nhỏ, không có đất để rễ có thể bám. Không nên trồng cây quá to vì loại cây này đã bị cắt hết rễ, không an toàn, nhưng cũng không nên trồng loại cây quá nhỏ, khó chăm sóc, bảo vệ. Chọn loại cây vừa phải, giữ nguyên rễ cọc của cây để chúng có thể bám sâu vào đất.
Trường hợp quan sát thấy một cây lâu năm, cây cổ thụ mà bỗng nhiên rụng nhiều lá, còi cọc, lá vàng, cành yếu… thì phải kiểm tra thân cây xem có bị sâu đục, rễ cây có còn phát triển bình thường không để tiến hành các biện pháp gia cố, chằng buộc chắc chắn, tránh cây đổ.
Đối với tất cả các loại cây có tuổi đời lâu năm, đặc biệt là cây trên 30 năm tuổi cần phải tiến hành khảo sát đánh giá rễ cây bằng cách khoan, siêu âm kiểm tra, đo rễ, tìm hiểu xem có bị thối rễ không, cây có bệnh gì không. Công nghệ kiểm tra này khá đơn giản, có thể cho ra ngày kết quả là rễ cây có đang bám chắc không, có cần phải gia cố gì cho cây hay không. Ở các trường đại học có nghiên cứu về sinh học, cây cảnh… đều có thể thực hiện phương pháp siêu âm rễ cây này.