Chuyên gia nêu loạt giải pháp 'giải bài toán' thiếu điện
Đẩy sớm lộ trình thị trường điện cạnh tranh
Từ cuối tháng 5, tình trạng mất điện diện rộng đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn khi không kịp trở tay với lịch cắt điện của đơn vị điện lực: có nơi mất cả ngày, có nơi cắt điện nhưng không báo, có nơi cắt điện giữa đêm khuya… Bộ Công Thương cho biết hầu hết hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã về mực nước chết, nguồn nhiệt điện cũng gặp khó khăn do nắng nóng, truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc thì gần đạt giới hạn tối đa, dễ xảy ra sự cố. Kết quả là miền Bắc thiếu điện trầm trọng, đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời. Theo đó, Bộ yêu cầu lập đoàn thanh tra về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 10/6.
GS.TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay chúng ta bị động trong việc đảm bảo cung ứng điện. Chúng ta đang dự đoán trước ở khu vực này, thời điểm này lượng điện tiêu thụ là bao nhiêu, rồi cố gắng đáp ứng nó. Ở các nước phát triển, họ chủ động hơn, họ xem nhu cầu như vậy thì phân phối điện như thế nào. Điện sẽ được ưu tiên cung cấp cho nơi nào đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Trong mô hình thị trường điện đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2024 thị trường bán lẻ điện phải chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên việc này đang chậm hơn dự kiến. Cho tới nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã hoàn thành và bây giờ đang nằm ở giai đoạn cuối của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Tuy nhiên, thực tế, mô hình bán buôn của thị trường cạnh tranh vẫn chưa được hoàn chỉnh bởi vì nếu muốn mua bán buôn cạnh tranh thực hiện được thì cần phải có nhiều đơn vị mua bán buôn, kể cả những thành phần kinh tế khác, tư nhân, HTX, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào. Hiện nay, ngoài 5 Tổng công ty điện lực của EVN thì chưa có một công ty điện lực nào khác ngoài EVN thực hiện chức năng mua bán buôn như vậy. Khi đã không có nhiều công ty, nhiều đơn vị mua bán buôn, thì không thể có thị trường mua bán điện cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng được.
Chúng ta phải làm thế nào để cho cơ cấu của các đơn vị mua bán buôn điện thay đổi. Chúng ta phải thành lập thêm được các công ty tư nhân, công ty FDI, tham gia vào thị trường mua bán buôn. Bởi, nhiều năm qua mô hình mua bán điện không có thay đổi gì so với trước, tức là EVN bán điện cho 5 công ty phân phối và 5 công ty phân phối làm nhiệm vụ bán cho các hộ tiêu thụ.
"Thường các công ty mua bán họ kiếm lời trên cơ sở chênh lệch giá họ mua và giá bán. Do vậy, nhà nước cần có nghiên cứu và làm thế nào để các đơn vị bán điện cho các công ty này, bán với một mức giá nào đó và công ty bán buôn điện họ có quyền bán với giá cao hơn, để có lợi nhuận hợp lý, tồn tại và phát triển", GS Long nói.
Theo GS.TS Trần Đình Long, việc huy động các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào phát triển năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là một yếu tố rất quan trọng và nhiều quốc gia đã mở cửa thị trường điện để thu hút được vốn đầu tư tư nhân.
Giải pháp để có nguồn điện ổn định bền vững
Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, giá điện hấp dẫn nên 5-7 năm trước đây nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền vào đầu tư xây dựng các nguồn điện. Tăng trưởng của các nguồn điện gió, điện mặt trời là "rất nóng" nên có tình trạng đầu tư nhà máy song không biết bán cho ai, hay gặp cảnh lưới điện không đầu tư kịp dẫn đến hiện tượng quá tải, nhà đầu tư không phát được điện lên lưới, gây ra thua lỗ cho các nhà đầu tư.
Vì vậy, nhà nước đã có quy định trước khi doanh nghiệp xin giấy phép đầu tư và triển khai xây dựng các nguồn điện thì phải biết rõ ràng là khách hàng tiêu thụ sản phẩm của mình là ai, và phải ký được hợp đồng mua bán điện trước khi bỏ tiền ra xây dựng các nguồn điện.
"Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với nghị với Nhà nước nên có một cơ chế rõ ràng, minh bạch, để các nhà đầu tư họ yên tâm bỏ tiền ra để xây dựng các nguồn điện tái tạo. Cụ thể là Nhà nước nên nghiên cứu và ban hành một chính sách về giá điện dài hơi để các nhà đầu tư có thể tính toán được các chỉ tiêu kinh tế, tài chính cho các công trình điện lực mà họ định đầu tư tham gia vào. Thực tế, giá điện có thể tính toán và dự báo được cho 5-10 năm sau", GS Long cho biết.
GS.TS Trần Đình Long đánh giá, nguồn điện năng lượng tái tạo dù dồi dào nhưng không ổn định và phụ thuộc thời tiết. Do vậy, nguồn khí thiên nhiên có được bao nhiêu thì cần khai thác tối đa để phát điện. Đây là nguồn điện vừa ổn định hơn, vừa đảm bảo được yêu cầu về môi trường.
Phát triển năng lượng tái tạo phải tính đến lưu trữ. Tuy nhiên, vấn đề về pin lưu trữ cũng rất tốn kém, tuổi thọ không cao và còn nhiều nghiên cứu cần tính toán cho vấn đề môi trường. Do đó GS Long cho rằng, Việt Nam nên sử dụng hình thức nhà máy thuỷ điện tích năng. Cụ thể, xây nhà máy điện nhưng vừa có khả năng bơm nước, vừa có khả năng phát điện. Nước ta rất nhiều tiềm năng như vậy.
"Ví dụ, dọc bờ biển, tìm địa thế xây dựng một hồ chứa. Ban ngày nhiều điện mặt trời thì dùng điện đó bơm nước biển lên hồ, ban đêm không có thì xả nước từ hồ xuống để phát điện. Công nghệ đó thiết thực và khả thi trong giai đoạn hiện nay", GS Long nêu ý kiến.
Việt Nam nên thí điểm một số công trình, nếu thấy có lợi thì làm rộng rãi. Thời gian thí điểm xây dựng hệ thống này cũng tương đương làm một nhà máy thuỷ điện, mất khoảng 3-5 năm. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu nguồn điện năng lượng tái tạo đến năm 2030 thì cần bắt tay vào việc thí điểm càng sớm càng tốt.