1. Trang chủ /
  2. Chuyện ít biết về Đệ nhất tổ sư nghề kim hoàn

Chuyện ít biết về Đệ nhất tổ sư nghề kim hoàn

thứ hai, 11/9/2023 12:58 GMT+07
Theo sử sách ghi lại, khoảng hơn 200 năm về trước, người có công định hình và khai sáng nghề kim hoàn đã được triều đình nhà Nguyễn sắc phong, vào các thời Khải Định thứ 9 và Bảo Đại thứ 13 - đó là “Đệ nhất tổ sư nghề kim hoàn Cao Đình Độ.
Lễ giỗ Tổ nghề kim hoàn. (Nguồn ảnh: Internet)

Truyền nghề không lấy tiền công

Cao Đình Độ sinh năm 1744 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân từ một gia đình nông dân, thuở thiếu thời ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục Nho giáo. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng (tức là hàn khay gãy, bịt chén bể...). Thời kỳ này chỉ có người Trung Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc. Niềm đam mê lớn trong người thợ trẻ Cao Đình Độ là muốn trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Ước mơ mãnh liệt ấy ngày đêm luôn thôi thúc, buộc ông lên đường “tầm sư học đạo”. Để học được nghề, ông phải dành nhiều thời gian học tiếng Hoa, theo dõi lối sinh hoạt, giao thiệp của họ, cải trang thành người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Mặc dù người Hoa có tiếng là giữ nghề, không truyền cho người ngoài, nhưng với tư chất thông minh, lanh lợi sẵn có, ông quan sát tìm hiểu và nắm bắt được bí quyết nghề kim hoàn của người Hoa. Với ý chí phải học thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc.

Năm 1783, ông Cao Đình Độ đưa vợ và con trai vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp và truyền nghề cho con mình là Cao Đình Hương. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, Cao Đình Hương tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề tại Thuận Hóa. Và ông Cao Đình Độ còn “truyền nghề cho một số học trò thuộc hai họ Huỳnh Công và Trần Mạnh”. Về sau, hai họ Huỳnh, Trần tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu. Làng Kế Môn thành làng thợ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong.

Những người làm nghề kim hoàn luôn nhớ công đức Tổ nghề. (Nguồn ảnh: Internet)
Những người làm nghề kim hoàn luôn nhớ công đức Tổ nghề. (Nguồn ảnh: Internet)

Theo sử sách ghi lại, ông Cao Đình Độ đã truyền, đặc trưng của nghề là sự kiên nhẫn bởi hầu hết thời gian đều ngồi làm việc và vận dụng tính sáng tạo mang chất thẩm mỹ để tạo hình cho sản phẩm. Nghề kim hoàn có tất cả ba kỹ thuật cơ bản gồm: “trơn” - một kiểu tạo hình có tính cơ bản mà người thợ kim hoàn nào cũng trải qua và làm được. Tiếp đến là “chạm”, tức dùng vật nhọn để khắc vẽ lên sản phẩm. Cuối cùng và đỉnh cao của người làm nghề là “đậu”, tức dùng vàng bạc kéo thành từng sợi chỉ để tạo hình. Công đoạn này đòi hỏi sự phát huy toàn diện của người thợ như khéo tay, sáng tạo nghệ thuật... Thực hiện gia công một món đồ, người thợ phải phác thảo ra giấy trước rồi mới dựa trên phác thảo ban đầu để tỉa tót theo.

Nghề kim hoàn cũng không khác gì nghề thợ rèn là mấy, bởi người thợ phải “gắn bó xương máu” với cây đe, cái búa. Nếu như nghề thợ rèn cần lực thì nghề kim hoàn lại cần đến sự tinh tế trong từng đường đe.

Những sản phẩm kim hoàn của cha con ông Cao Đình Độ nức tiếng kinh thành. Các sản phẩm kim hoàn đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn kinh thành Huế ngay từ cuối thế kỷ XVIII. Các học trò học nghề kim hoàn tìm đến ông ngày càng đông. Ông Cao Đình Độ thương những người nghèo, thường không lấy tiền công dạy học, nhất tâm truyền nghề. Cảm phục tài nghệ và danh tiếng Cao Đình Hương, quan Thượng thư bộ Lại lúc bấy giờ là Trần Minh, cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc (dưới thời Gia Long) mời ông về dinh phủ dạy nghề Kim Hoàn cho ba người con trai: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Ròng rã suốt 11 năm truyền dạy cho các học trò, năm 1821, ông Cao Đình Hương qua đời. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng rãi trong dân gian. Và những người học trò của ông đã đem bí quyết nghề kim hoàn đi truyền nghề khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Huế - cái nôi bậc nhất cho nghề kim hoàn

Dưới thời nhà Tây Sơn, Vua Quang Trung cũng là người quan tâm đến nền thủ công nghiệp nước nhà, đã lập ra ngành Ngân Tượng và danh tiếng ông Cao Đình Độ được lan truyền đến triều đình. Năm 1790, Vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập đội Cơ vệ Ngân tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung đình. Trước công đức và những đóng góp lớn lao đó, ông được triều đình phong chức Lãnh binh, phó Lãnh binh là Cao Đình Hương. Thời gian này, gia đình ông sống tại làng Cao Hậu (thường gọi là Côi Hậu), huyện Hương Trà (nay là phường Hương Sơ, thành phố Huế).

Phần mộ Đệ Nhất Sư Tổ kim hoàn Cao Đình Độ. (Nguồn ảnh: Internet)
Phần mộ Đệ Nhất Sư Tổ kim hoàn Cao Đình Độ. (Nguồn ảnh: Internet)

Đến khi Nguyễn Ánh chiếm lại đất Thuận Hóa - Phú Xuân, lập nên vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được Vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong Kinh thành. Hai ông vẫn được tiến cử giữ chức vụ này chứng tỏ là người có tài và đức hạnh nên được các đời vua và triều đình tin dùng. Các sản phẩm từ vàng bạc như trâm cài, hoa tai, vòng xuyến, nhẫn… được sử dụng ở Kinh thành Phú Xuân chủ yếu được tạo tác bởi những người thợ kim hoàn làng Kế Môn.

Ngày 28 tháng 2 năm Canh Ngọ (1810), ông Cao Đình Độ qua đời, thọ 66 tuổi. Nhà vua và triều đình thương tiếc phong thêm tước hiệu “Đệ nhất Tổ sư” và cử hành tang lễ chu tất, an táng tại ấp Trường An, phía Nam kinh thành Huế. Đến năm Minh Mạng thứ hai, ngày 8 tháng 12 năm Tân Tỵ (1821), ông Cao Đình Hương qua đời, hưởng dương 48 tuổi, được Vua Minh Mạng phong hiệu, phần mộ an táng cạnh phần mộ của tổ phụ ấp Trường An, phía Nam kinh thành Huế.

Hiện nay, tại nhà thờ tổ nghề kim hoàn ở Huế và Lệ Châu hội quán (TP Hồ Chí Minh) còn lưu giữ nhiều bản sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Đó là hàm cấp bậc “Tiến sĩ khai hóa Kim Ngân” với phẩm tước đại triều “Dực Bảo Trung Hưng”, chức Lãnh Binh của Vua Gia Long cho ông Cao Đình Độ. Đến thời Vua Minh Mạng, hai cha con cao Đình Độ, Cao Đình Hương được sắc phong “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò Bổn Xứ - khai hóa kim ngân Thế Tổ Cao Đình Độ tọa thần vị - Cao Đình Hương linh thần vị”, phong tước hiệu “Đệ nhị tổ sư” cho Ông Cao Đình Hương, được ban đất xây lăng như các quan đại thần. Đời Vua Khải Định năm thứ 9 và Bảo Đại năm thứ 13, hai ông được sắc phong “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần” cho người có công khai sáng ngành kim hoàn Việt Nam.

Lăng mộ hai vị Tổ sư đời thứ nhất đều toạ lạc tại phường Trường An về phía Nam thành phố Huế, trong đó lăng mộ đệ Nhất Tổ sư Cao Đình Độ xây dựng năm 1810, lăng mộ đệ Nhị Tổ sư Cao Đình Hương xây dựng năm 1821, theo kiến trúc văn hóa đặc trưng của triều Nguyễn. Đền thờ hai ông được đặt tại phường Phú Cát (Huế). Cả khu mộ và nhà thờ tổ nghề kim hoàn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa. Để tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị tổ nghề, hàng năm, các thợ kim hoàn miền Trung (Huế) tổ chức lễ giỗ ông Cao Đình Độ vào ngày 27/2 (âm lịch) và Cao Đình Hương vào ngày 7/2 (âm lịch).

Nhà thờ Tổ kim hoàn tại Huế. (Nguồn ảnh: Internet)
Nhà thờ Tổ kim hoàn tại Huế. (Nguồn ảnh: Internet)

Hơn 2 thế kỷ qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng, có mặt tại các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước. Không những thế người làng Kế Môn còn đưa nghề truyền thống của mình vươn ra khắp thế giới nhằm quảng bá cho quê hương, đất nước. Tại Huế các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ”, trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Làng Kế Môn có nhiều nhà thờ họ với tất cả 16 nhà thờ, đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn.

Ngày nay, dù con dân Kế Môn đã tỏa đi xa nhưng có lẽ Huế mới thật sự là cái nôi bậc nhất cho nghề kim hoàn phát triển khi còn giữ được dấu ấn lịch sử của một thời vang bóng. Ngoài khu mộ tổ và nhà thờ tổ kim hoàn vẫn còn lưu giữ và tới Huế, du khách có cơ hội trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia các công đoạn sản xuất của nghề kim hoàn truyền thống.

Hiện nay, khu lăng mộ tổ nghề kim hoàn Việt Nam nằm ở phường Trường An, thành phố Huế. Và khu lăng mộ của tổ nghề kim hoàn Việt Nam trên đất Huế luôn được các đệ tử, con cháu gìn giữ hương khói và là nơi hành hương linh thiêng của những ai theo nghề kim hoàn để tri ân những bậc tiền nhân đã có công khai mở một nghề để lại danh thơm và hồn thiêng dân tộc. Di tích nhà thờ Tổ nghề kim hoàn được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 168-QĐ/VH ngày 2/3/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Hiện nay, tại từ đường họ Kim Hoàn tọa lạc số 7 chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế còn lưu giữ một số bản sắc phong của các vua triều Nguyễn cho hai vị tổ nghề.

Hằng năm, lễ tế tổ nghề kim hoàn Việt Nam nhằm tưởng niệm vị đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ tại phường Trường An và phường Phú Cát, thành phố Huế vào ngày 7/2 Âm lịch được xem là ngày hội của những người sản xuất, kinh doanh vàng bạc trong khắp cả nước. Lễ giỗ tổ nghề kim hoàn được tổ chức rất qui mô, quy tụ hàng nghìn người trong ngành thợ kim hoàn về dự, cúng bái các vị tổ sư có công khai sáng, truyền dạy nghề kim hoàn. Tại các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, người làng Kế Môn - làng nghề truyền thống kim hoàn xứ Huế đều tham dự để góp phần tôn vinh một làng nghề “danh bất hư truyền” tại Cố đô.