1. Trang chủ /
  2. Chuyện ít biết về Thiền sư Huyền Quang - vị tổ sư đời thứ ba của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử

Chuyện ít biết về Thiền sư Huyền Quang - vị tổ sư đời thứ ba của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử

thứ hai, 4/3/2024 16:18 GMT+07
Chiều 2/3, tại chùa Ngọa Vân Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh), diễn ra tọa đàm "Đệ Tam tổ Huyền Quang (1254 - 1334) với Phật giáo Trúc Lâm", do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức.
Bức họa chân dung thiền sư Huyền Quang (Ảnh minh họa).

Bức họa chân dung thiền sư Huyền Quang (Ảnh minh họa).

Nỗ lực hoằng dương Phật pháp Trúc Lâm

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nhấn mạnh, di tích Ngọa Vân là điểm đến tâm linh quan trọng, là nơi “Vua hóa Phật”, nơi kết thúc trọn vẹn cuộc đời vì đạo thuyết pháp độ tăng, vì đời xây dựng và bảo vệ đất nước của Phật hoàng Trần Nhân Tông và vai trò tiếp nối của Thiền sư Huyền Quang. Tại chùa Ngọa Vân, trong buổi tọa đàm "Đệ Tam tổ Huyền Quang (1254 - 1334) với Phật giáo Trúc Lâm", các đại biểu đã trao đổi các khía cạnh về tiểu sử, của Thiền sư Huyền Quang - vị tổ sư đời thứ ba của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử; tư tưởng thiền học và vai trò của Thiền sư với Phật giáo Trúc Lâm thời Trần; vị trí của cụm di tích Phật giáo Ngọa Vân trong hệ thống di tích Phật giáo Yên Tử.

Di tích Ngọa Vân là điểm đến tâm linh quan trọng, là nơi “Vua hóa Phật” (Ảnh: Học viện Phật giáo Việt Nam).

Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Thiền sư Huyền Quang thế danh là Lý Đạo Tái. Căn cứ bộ Tam Tổ thực lục, Thiền sư “tổ tướng mạo kỳ dị, có chí khí của một bậc trác việt, được cha mẹ hết lòng yêu thương, dạy dỗ, học một biết mười”. Lý Đạo Tái được phân bổ làm quan trong Viện Nội hàn, đến năm 51 tuổi mới xuất gia sau nhiều lần xin với triều đình.

Tọa đàm "Đệ Tam tổ Huyền Quang (1254 - 1334) với Phật giáo Trúc Lâm" (Ảnh: Bảo Châu).

Cuộc đời của Trúc Lâm Đệ Tam tổ - Thiền sư Huyền Quang trọn vẹn với hạnh nguyện cống hiến hết tài năng và trí tuệ cho đạo và đời. Thuở trai trẻ làm quan trong triều thì hết lòng phụng sự triều đình, rồi từ quan xuất gia tu Phật, cùng với Trúc Lâm Sơ tổ và Nhị tổ Pháp Loa đi mọi nẻo đường nỗ lực hoằng dương Phật pháp Trúc Lâm.

Thiền sư Huyền Quang biên soạn kinh sách, xây dựng đạo tràng, đào tạo tăng tài, đăng đàn thuyết pháp, xây dựng chùa chiền, viết vịnh đề thơ... Ngài đã làm cho dòng chảy Phật pháp Trúc Lâm lưu truyền mãi mãi trong dân gian, để nhiều đời sau, dù không còn ghi nhận sự truyền thừa chính thức nhưng tinh thần, trí tuệ, tư tưởng và giá trị của Phật giáo Trúc Lâm vẫn trong lòng dân tộc.

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Phong, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, quá trình khảo sát, nghiên cứu 12 văn bia ở 4 chốn tổ Trúc Lâm có 10 văn bia niên đại từ năm 1604 - 1720 tôn vinh Huyền Quang là Đệ Tam tổ, 2 văn bia ở chùa Đại Bi ngay trong tên đã ghi rõ Huyền Quang là Trúc Lâm Đệ Tam tổ. "Những văn bia này được soạn khắc từ đời Trần, thời Lê trung hưng. Năm nay, Viện Trần Nhân Tông sẽ tổ chức hội thảo về Đệ Tam tổ, qua đó, đào sâu nghiên cứu, sưu tập thêm tư liệu về Thiền sư".

Nghiên cứu về “Huyền Quang: Từ đời thực bước vào Phật điện và thần điện Việt”, bà Đinh Thị Thùy Hiên, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Huyền Quang hiện được biết đến rộng rãi với tư cách Đệ tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Trước tác mà ông để lại, các dòng ghi chép về nhân vật Lý Đạo Tái - thiền sư Huyền Quang trong sách sử, sách truyền đăng, bia ký…, sự hiện diện của tháp mộ Đăng Minh trong khuôn viên chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc, các pho tượng và bài vị Đệ Tam tổ Huyền Quang trong bộ tượng, bộ bài vị Tam tổ ở một số ngôi chùa cổ nổi tiếng… từ lâu đã thu hút mạnh mẽ học giả từ nhiều lĩnh vực, cả trong lẫn ngoài Giáo hội Phật giáo. Những kết quả nghiên cứu đã đem lại nhận thức phong phú và sâu sắc về một nhân vật lịch sử tài năng xuất chúng, có nhiều đóng góp cho đất nước thời kỳ nhà Trần cai trị; về một vị thiền sư có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Phật giáo Đại Việt.

Ảnh hưởng của Đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm để lại rất lớn. Huyền Quang hiện diện trên Phật điện ở vị trí Tổ thứ ba của Thiền phái. Và một điều hầu như chưa được quan tâm nhiều là từ đời thực ông còn bước vào thần điện, là một vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt.

Các đại biểu cũng bàn về câu chuyện về Thiền sư Huyền Quang; tư tưởng Phật giáo và vai trò của thiền sư với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần; Đệ tam tổ Trúc Lâm và văn hóa tôn giáo Việt Nam trong dòng chảy văn hóa dân tộc; Thiền sư Huyền Quang và những giá trị tư tưởng nhân sinh quan Phật giáo; hệ thống chùa tháp Phật giáo Trúc Lâm trên dãy Yên Tử và dấu ấn của Tam tổ Huyền Quang; các nghiên cứu khảo cổ ở cụm di tích Ngọa Vân về Phật giáo, cũng như việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích của nhà Trần tại Đông Triều.

Ban tổ chức sẽ cùng các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, biên tập thành kỷ yếu, lưu lại những cống hiến của Đệ Tam tổ Huyền Quang đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Thi sĩ nổi tiếng đời Trần

Trong khuôn khổ Tọa đàm, tối cùng ngày, "Đêm thơ Huyền Quang" đã diễn ra với ba phần: Cảnh sắc thiên nhiên trong cõi lòng, Thiền sư - thi nhân, con đường chứng đạo, ngộ đạo.

Theo tác giả Thanh Phong (trong giacngo.vn), nhà sư Huyền Quang từ nhỏ có khiếu ngôn ngữ văn chương, lại mê thú chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên, thích sống ẩn dật tu hành nơi rừng núi; những yếu tố đó góp phần tạo nên một Huyền Quang vừa là thiền sư, đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng đời Trần.

Sáng tác của Huyền Quang còn lại không nhiều, thế nhưng những bài thơ của ông dễ dàng để lại trong lòng người đọc niềm cảm xúc. Bên cạnh không gian thiên nhiên vắng vẻ hiu hắt ấy, ta nhận ra không gian sinh hoạt đời thường nhàn tản, thoát tục, bình lặng của cuộc sống một người tu hành. Nơi đó có con đường đi, am thiền, chuông chùa, bóng tháp…

Cảnh sắc thiên nhiên trong cõi lòng, Thiền sư - thi nhân, con đường chứng đạo, ngộ đạo tại "Đêm thơ Huyền Quang". (Ảnh: Học viện Phật giáo Việt Nam).

Đọc thơ Huyền Quang, ta thấy tâm hồn mình được thanh lọc bởi một tâm hồn trong trẻo thuần khiết của nhà sư giác ngộ Phật tánh. Tư thế ung dung, an nhiên; tâm hồn sáng trong thanh thoát của một thiền sư ngộ đạo. “Vong thân, vong thế, dĩ đô vương (vong)/ Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương/ Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật/ Cúc hoa khai xứ tức trùng dương (dịch: Quên mình, quên đời, đã quên hết cả/ Ngồi lâu trong hiu hắt, cả giường mát lạnh/ Cuối năm ở trong núi không có lịch/ Hoa cúc nở tức là đã đến tiết Trùng dương) (bài thơ Cúc hoa III - Hoa cúc III).

Phút giây “quên” kỳ diệu đưa con người vượt qua thế giới hữu hạn đến cõi bờ của một không gian vĩnh hằng. Ngồi hồi lâu nhà sư mới chợt nhận ra cái lạnh của giường thiền, sống trong núi cô tịch không biết ngày tháng, hoa cúc báo hiệu cho nhà sư sực nhớ đến tiết Trùng dương.

Trong con mắt của nhà sư - một con người giác ngộ - thì cái không gian quên ấy mới chính là thực tại đích thực mà ở đó, con người mới sống trọn vẹn nhất trong cái bản thể hằng hiện hữu. Đọc thơ Huyền Quang, chúng ta còn nhận ra một loại không gian khác chiếm vị trí khá quan trọng là không gian tràn đầy ánh sáng của một người giác ngộ tự tánh.