'Chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh'
Những bước tiến quan trọng
Với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện địa hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023 đã chính thức khai mạc phiên cao cấp chiều nay, 14/6.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra 6 hội thảo chuyên đề và 1 Tọa đàm với khoảng 30 báo cáo chính của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ (KHCN) phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
“Trong thời gian vừa qua, với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ…”, Thủ tướng đánh giá,
Thủ tướng nhắc lại chủ trương phát triển dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc CMCN 4.0 đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 và nêu rõ trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, CĐS là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH…
Theo Thủ tướng, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
“Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển. Trước hết, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số…”,Thủ tướng chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, CĐS ở Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng. Đó là: Thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện; CĐS trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực; Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt, với gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng chính phủ số….
“Đi sau” nhưng phải cố gắng “về trước”..
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, sâu sắc cùng các khuyến nghị chính sách, giải pháp đẩy nhanh thực hiện CNH- HĐH tại Diễn đàn, Thủ tướng cho biết, bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW, Chính phủ sẽ sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra;
Trong đó. Thủ tướng nhấn mạnh, đẩy mạnh CĐS và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình CNH-HĐH, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…
Cùng với đó, đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy CNH-HĐH đất nước.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ phải tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
Trong bài phát biểu Thủ tướng nhắc đi nhắc lại: “Chúng ta đi sau nhưng cố gắng về trước”. Theo Thủ tướng, đây là việc khó vì còn liên quan đến nguồn lực. “Nhưng chúng ta phải suy nghĩ để có động lực. Đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi cần phải nỗ lực hơn nữa…”, Thủ tướng khích lệ.
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, yêu cầu cao, phạm vi lớn, người đứng đầu Chính phủ đề nghị phải xác định trọng tâm trọng, trọng điểm, tính toán cái nào làm trước, cái nào làm sau cho phù hợp…
“Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem CĐS, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình CNH-HĐH đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH-HĐH. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc CĐS, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược và đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 29-NQ/TW”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh Việt Nam với rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ CMCN 4.0 (cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo; hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh; cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện...), Thủ tướng lưu ý, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh.
“Tôi đề nghị, sau Diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm và hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước…”, Thủ tướng kêu gọi.