1. Trang chủ /
  2. Chuyện xúc động về những du khách nước ngoài khi về thăm quê Bác

Chuyện xúc động về những du khách nước ngoài khi về thăm quê Bác

thứ sáu, 19/5/2023 14:26 GMT+07
Những giọt nước mắt, cử chỉ kính cẩn trước từng kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ du khách nước ngoài khiến các cán bộ công tác tại Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) không khỏi xúc động.
Vị khách Ấn Độ kính cẩn trước từng kỉ vật ở quê Bác.

Du khách thập phương tìm về hơi ấm của Người

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền – cán bộ hướng dẫn, thuyết minh tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên vẫn nhớ như in câu chuyện về một vị khách đến từ Ấn Độ. 

Ông tâm sự rằng, từ rất lâu đã ao ước được một lần về thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giờ ông đã toại nguyện. Nhìn những kỉ vật đơn sơ của gia đình Bác Hồ, đặc biệt sau khi nghe giới thiệu về cuộc sống của Bác và gia đình những năm tháng tuổi thơ, ông đã rất xúc động.

"Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má của người đàn ông ngoại quốc 74 tuổi, chúng tôi cảm kích vô cùng. Ông ngắm nhìn từng gian nhà, chắp tay kính cẩn trước từng kỉ vật, ngắm nghía như muốn khắc sâu khung cảnh quê hương của Bác Hồ - vị lãnh tụ mà ông hằng tôn kính..." - chị Huyền nhớ lại.

Nhắc đến những chuyện cảm động về các du khách nước ngoài về thăm quê Bác, chị Nguyễn An Vinh (Phó trưởng Phòng tuyên truyền giáo dục) Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên nói thêm, với du khách trong nước, các thuyết minh viên cảm nhận được sự thân thuộc của những người con xa xứ trở về với quê hương, về với cội nguồn. Nhưng những du khách nước ngoài luôn để lại cho họ những cảm xúc đặc biệt.

Chuyện xúc động về những du khách nước ngoài khi về thăm quê Bác - Ảnh 2.
Những vị khách nước ngoài cảm động khi về thăm quê Bác.

"Có hôm trời mưa rét căm căm, tôi được đón một đoàn khách nước ngoài. Trong đó có một vị khách đến từ Nhật Bản. Khi tham quan đến ngôi nhà của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, người du khách này nghe thuyết minh rất kỹ. 

Đặc biệt, khi tôi thuyết minh về chiếc phản gỗ và căn phòng nhỏ, nơi Bác Hồ, anh trai và gia đình sống từ năm 1901 – 1906, ông rất xúc động. Một lúc sau, ông xin tôi được ngồi lên tấm phản gỗ, nhưng theo quy định của khu di tích, không ai được ngồi lên hiện vật. Ông nói: "Tôi muốn ngồi để tìm lại hơi ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh" – chị Vinh nhớ lại.

Chị Vinh tâm sự: "Chứng kiến những tình cảm cao quý, đẹp đẽ mà người dân khắp nơi trên thế giới dành cho Người, chúng tôi càng ý thức được trách nhiệm của mình, nguyện cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp tục góp phần vào sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương, để con cháu và du khách khắp mọi miền có thể về thăm lại những kỉ vật thiêng liêng gắn liền với tuổi thơ của Bác".

Những hiện vật vô giá

Ngoài các thuyết minh viên vốn là 'sợi dây sống' kết nối làm nên mạch nguồn sống động giữa cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác với muôn nẻo du khách gần xa thì những hiện vật là cầu nối lịch sử để chúng ta hiểu thêm về Bác.

Chuyện xúc động về những du khách nước ngoài khi về thăm quê Bác - Ảnh 3.
Chiếc rương gỗ vốn là của hồi môn của Bà Hoàng Thị Loan được bố mẹ tặng lúc lấy chồng ra ở riêng.

Theo các cán bộ công tác tại Khu di tích, một trong những hiện vật gốc rất quý giá là chiếc rương gỗ - tài sản được xem như của hồi môn của Bà Hoàng Thị Loan được bố mẹ tặng lúc lấy chồng ra ở riêng. Năm 1895, khi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Huế, Bà Hoàng Thị Loan đã cho em gái của mình là Hoàng Thị An chiếc rương và sau đó nhiều lần đổi chủ. Thời điểm khôi phục lại ngôi nhà, cán bộ Ty Văn hóa Nghệ An ngày trước đã khá vất vả mới sưu tầm lại đúng chiếc rương gỗ về để trưng bày trong di tích.

Thửa nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã men theo chiếc rương gỗ này để chập chững tập đi, bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Ngày 9/12/1961, sau hơn nửa thế kỷ ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp trở về thăm quê. Người vô cùng xúc động khi thăm lại ngôi nhà. Khi nhận ra chiếc rương gỗ, kỷ vật thiêng liêng của gia đình, đôi bàn tay của Bác run run lần theo mép rương.

Nén xúc động quay ra Người bảo với các cán bộ khu di tích: "Các cô, các chú thật khéo giữ, chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn". Chiếc rương gỗ là món quà ông, bà ngoại Bác cho mẹ Bác ngày đi lấy chồng, nơi cất giữ những đồ vật quý giá của gia đình và là nơi ghi dấu những kỷ niệm êm đềm của Người cùng với gia đình tại quê hương.

Chuyện xúc động về những du khách nước ngoài khi về thăm quê Bác - Ảnh 4.
Những lá thư của học sinh gửi chúc mừng sinh nhật Bác Hồ.

Gần đây nhất, Khu di tích đã sưu tầm được hàng chục bức thư, trong đó có những bức thư Bác Hồ gửi cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An; thư gửi học sinh Trường THCS Kim Liên; thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ thành phố Vinh; thư Bác Hồ gửi các cụ phụ lão. 

Đặc biệt, những lá thư mà các học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh gửi chúc mừng Bác vào những năm 1960, đã cho thấy tình cảm của thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh đối với Người. Nhiều lá thư thể hiện nỗi nhớ, mong ước được Bác đến thăm trường với lời hứa "sẽ học tập chăm chỉ, trau dồi hạnh kiểm để xứng đáng là học trò ngoan của Bác".

Chuyện xúc động về những du khách nước ngoài khi về thăm quê Bác - Ảnh 5.
Những em học sinh đến từ Hà Giang chăm chú nghe thuyết minh về Bác.

Để phát huy giá trị của di tích, trong hơn 60 năm qua, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên đã luôn làm tốt công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho việc bảo tồn, gìn giữ vẹn nguyên các cụm di tích gốc và các di tích phụ cận một cách bài bản.

Ông Lâm Đình Hùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ của Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, hiện nay, Khu Di tích Kim Liên đang bảo quản 290 hiện vật với 100 đơn vị hiện vật gốc, hiện vật đồng thời đồng loại. 

Ngoài ra, ở khu lưu trữ hiện vật còn lưu trữ 42 đầu loại với gần 4.000 đơn vị hiện vật cùng hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước của các địa phương đã tặng cho Khu Di tích Kim Liên và các đầu tư liệu được sưu tầm, góp phần làm phong phú thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm sống tại quê hương cũng như trong hai lần Người về thăm quê.