1. Trang chủ /
  2. Cơ hội khi doanh nghiệp phân phối quốc tế “săn” hàng Việt

Cơ hội khi doanh nghiệp phân phối quốc tế “săn” hàng Việt

thứ bảy, 9/9/2023 11:20 GMT+07
Hàng trăm nhà thu mua lớn nhất thế giới sẽ xuất hiện tại Vietnam International Sourcing 2023 với yêu cầu lớn nhất là tìm kiếm các sản phẩm có giá trị bền vững. Do đó, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt quyết tâm chuyển đổi sản xuất, thâm nhập vào các hệ thống phân phối uy tín trên toàn cầu.
Hàng trăm nhà mua lớn sẽ xuất hiện tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng quốc tế. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet) Hàng trăm nhà mua lớn sẽ xuất hiện tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng quốc tế. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)

Kết nối, tập hợp các nhà mua hàng lớn

Tại cuộc họp báo công bố chính thức về chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng quốc tế tổ chức hôm qua (7/9), ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu Mỹ (Bộ Công Thương) - đơn vị chủ trì sự kiện cho biết, từ cuối năm 2022, khi nhận thấy doanh nghiệp (DN) Việt đang phải đương đầu với những khó khăn về thị trường xuất khẩu nên đã quyết định lên kế hoạch về một sự kiện kết nối, tập hợp tất cả những nhà mua hàng lớn nhất thế giới tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Linh cho biết, tại tất cả các cuộc tiếp xúc, lựa chọn DN tham dự chuỗi sự kiện, Bộ Công Thương luôn nhấn mạnh với DN, người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt ở châu Âu - châu Mỹ có xu hướng tìm mua những sản phẩm có giá trị bền vững, bảo vệ môi trường, chấp nhận mua những sản phẩm đắt tiền hơn. Do đó, các nhà mua lớn cũng sẽ theo xu hướng này để tìm kiếm các nhà cung cấp, đặc biệt là sau COVID-19, tất cả các nhà mua lớn đều đã và đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng, mua sản phẩm đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững (PTBV).

“Các nhà phân phối đều đang muốn tạo những kênh thu mua mới, có tính bền vững và sức chống chịu tốt trong quá trình họ chuyển đổi, đa dạng hoá đối tác. Chúng tôi muốn DN tận dụng cơ hội này để ứng cử những sản phẩm của mình vào hệ thống phân phối. Nếu DN không đáp ứng được thì các tập đoàn lớn sẽ đi nơi khác” - ông Linh nói.

Bộ Công Thương cũng đã thực hiện khảo sát nhỏ với các DN tham gia triển lãm lần này. 90% DN nhận thức được về yếu tố bền vững và sức ép khi chuyển đổi sang sản xuất, tiêu dùng bền vững nhưng chỉ có khoảng 60% DN đã và đang hoạt động, đầu tư cho PTBV.

Bên cạnh đó, các nhà mua hàng châu Âu đã xác định Việt Nam là điểm đến quan trọng, bởi họ đánh giá Việt Nam có thể đáp ứng được năng lực sản xuất nhưng DN Việt cũng cần phải đáp ứng được tiêu chí bền vững mới có thể đi đường dài được với các đối tác nước ngoài. “Chúng tôi hy vọng sau chuỗi sự kiện, sẽ cung cấp đầy đủ thêm cho DN để DN tìm ra phương hướng trong bối cảnh yêu cầu và thách thức mới của thị trường quốc tế” - ông Linh bày tỏ.

Cơ hội cho doanh nghiệp đã chuyển đổi sản xuất xanh

Bà Trần Như Trang - đại diện Chương trình xúc tiến nhập khẩu của Chính phủ Thụy Sỹ (SIPPO) tại Việt Nam cho biết, tại chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023, SIPPO sẽ định hướng cho DN phương thức ứng phó với tình hình mới để có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn mới của các nhà mua lớn trên toàn cầu.

Theo bà Trang, rất nhiều chuyên gia quốc tế sẽ sang Việt Nam, gặp gỡ một số DN và các đơn hàng tiềm năng có thể sẽ được lên sau hội chợ. “Cơ hội kinh doanh của DN là rất lớn khi có thể gặp gỡ trực tiếp các nhà phân phối lớn trong dịp này. Bởi trước đây, DN Việt thường giao dịch qua trung gian, qua các đại diện và chắc chắn khi giao dịch qua các đại diện thì thường sẽ không được ưu tiên trong những tình huống đặc biệt” - bà Trang nói.

Đáng chú ý, bà Trang cho biết, SIPPO đã trao đổi với Tập đoàn Takko - một DN sở hữu 1.900 siêu thị ở 17 quốc gia châu Âu với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ euro về hàng hóa Việt Nam từ 3 năm nay. Trong sự kiện tới đây, lãnh đạo cấp cao phụ trách về PTBV sẽ sang Việt Nam để tham gia khảo sát trực tiếp 8 - 10 nhà máy. “Hy vọng 8 - 10 DN mà chúng tôi đưa lãnh đạo Takko đi khảo sát có thể lọt vào danh sách 500 nhà cung cấp toàn cầu của TACO. Hiện nay chưa có bất kỳ nhà cung cấp nào của Việt Nam lọt vào danh sách này” - bà Trang chia sẻ.

Lý giải về việc Takko để một lãnh đạo phụ trách PTBV sang tìm kiếm đối tác mới tại Việt Nam, bà Trang cho biết, tất cả các nhà mua lớn đều lựa chọn rất kỹ DN đối tác cung ứng hàng hóa cho mình. DN có thể lọt vào danh sách nhà cung ứng không chỉ đáp ứng về mặt chứng chỉ mà còn những giá trị ngoài chứng chỉ như giá trị bền vững, bảo đảm giá trị về đa dạng sinh học.

Theo bà Trang, hiện nay sức ép với khách mua hàng rất lớn, khi họ phải công bố thông tin công khai về yếu tố bền vững của sản phẩm. Châu Âu đã yêu cầu công bố từ cuối năm ngoái. Mỹ cũng đã yêu cầu các DN lớn công bố từ tháng 6 - 7 vừa qua. “Các khách mua hàng đang chủ động nỗ lực để có thể không chỉ mua sản phẩm mà còn mua giá trị bền vững mà các nhà cung ứng có thể mang đến cho họ. DN châu Âu đang phải chạy đua để làm báo cáo bền vững từ năm 2024 nên nếu DN Việt chủ động có những thông tin về phát triển bền vững thì chắc chắn các nhà mua sẽ lựa chọn ngay” - bà Trang khẳng định.

Vietnam International Sourcing 2023 sẽ là cơ hội để DN Việt tiếp cận trực tiếp với các nhà mua lớn để DN nhận ra cần thay đổi và cải thiện giá trị và đây cũng sẽ là cơ hội lớn cho DN quyết liệt với việc chuyển đổi sản xuất bền vững.