1. Trang chủ /
  2. Có nên luật hóa việc đào tạo bác sĩ nội trú?

Có nên luật hóa việc đào tạo bác sĩ nội trú?

thứ ba, 27/2/2024 10:35 GMT+07
Trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024) năm nay, ngoài những lời chúc mừng đến các cán bộ, nhân viên ngành Y, còn có một vấn đề được chính những người trong ngành Y đặt ra và dư luận quan tâm, là có nên có quy định rõ ràng, chi tiết về vấn đề bác sĩ nội trú (BSNT)? Tiếp tục coi BSNT là mô hình đào tạo tinh hoa hay chuyển sang đào tạo đại trà, trả lương cho họ trong quá trình học?
Ảnh minh họa.

BSNT là chương trình đào tạo đặc thù của ngành Y; được coi là đào tạo tinh hoa, dành cho những sinh viên xuất sắc theo học ngay sau khi tốt nghiệp ĐH.

Tại Việt Nam, ĐH Y Hà Nội tuyển sinh khóa BSNT đầu tiên năm 1974. Từ đó đến nay, Trường đã, đang đào tạo gần 5.200 bác sĩ, với nhiều thay đổi trong từng giai đoạn, theo hướng tiệm cận xu thế thế giới.

Về chuẩn đầu vào, trước 2015, điều kiện để thi chuyên ngành BSNT là điểm thi tốt nghiệp từ 7 trở lên. Sau này, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp và không bị kỷ luật là được dự thi. Với thay đổi này, tỷ lệ sinh viên học BSNT tăng, từ 10 - 15% giai đoạn 1974 - 2014 lên trên 65% ở giai đoạn 2015 - 2023. Hiện, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo BSNT. Trung bình 1 năm có 900 người tốt nghiệp BSNT.

Trước đây, thí sinh phải đăng ký chuyên ngành trước rồi mới thi và không đạt sẽ bị loại ngay. Hiện nay, thí sinh được chọn chuyên ngành sau khi có kết quả, theo nguyên tắc người đạt điểm cao hơn được ưu tiên lựa chọn chuyên ngành. Trước đây, 90% BSNT ở lại trường hoặc các BV tuyến Trung ương thì giờ đây, tỷ lệ BSNT ở các BV tuyến tỉnh, thành và các BV ngoài công lập tăng lên 35%.

Nhiều ý kiến đánh giá, khi số BSNT tăng lên, trở về công tác ở tuyến tỉnh, sẽ góp phần thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng tích cực, người dân được hưởng lợi, giảm áp lực các bệnh viện tuyến trung ương. Vì vậy, một số ý kiến đề xuất mở rộng đào tạo hệ này; mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh lên mức 90% sinh viên tốt nghiệp được đào tạo BSNT và muốn tiếp tục hành nghề khám, chữa bệnh bắt buộc phải học nội trú. Nói cách khác, BSNT cần chuyển thành mô hình đào tạo đại trà.

Những đề xuất nêu trên là khá thuyết phục, tuy nhiên, để “chốt” vấn đề này, còn phải quyết nhiều vấn đề khác, như chuyện BSNT cần được cấp chứng chỉ hành nghề tạm thời. Hiện tại, BSNT không có học bổng, không được trả lương, vẫn phải trả học phí.

Trong thời gian đào tạo, họ đã hành nghề như nhân viên y tế tại bệnh viện thực hành nên cần được trả lương, thù lao để yên tâm học tập. Nếu thay đổi, cũng cần đổi mới toàn diện chương trình, phương pháp dạy và học.

Việc đào tạo BSNT cần được luật hóa, công nhận bằng BSNT như bằng sau đại học…

Đó cũng chính là lý do mà mới đây lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các trường đào tạo ngành Y tổng kết sâu sắc việc đào tạo BSNT thời gian qua để tham mưu cho Bộ theo hướng hội nhập quốc tế, nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu của nguồn nhân lực y tế Việt Nam; đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng mô hình đào tạo này; tất cả nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe Nhân dân một cách tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm