Cố ý lan truyền tin giả về dịch bệnh COVID-19: Có thể bị xử lên đến 07 năm tù
Thời gian gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 có xu hướng gia tăng, bên cạnh những thông tin chính xác, tích cực, góp phần đẩy mạnh công tác chống dịch, thì cũng có không ít tin giả, tin sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19 được lan truyền một cách cố ý, nhất là trên không gian mạng.
Mới đây nhất có thể kể đến thông tin "Cập nhật 12 điểm nóng tại TP. HCM" hay "Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc COVID-19" là những thông tin sai sự thật đã được lan truyền. Ngay sau khi xuất hiện những thông tin này, Sở Y tế TP. HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã tức tốc có thông báo bác bỏ.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống về sự việc nêu trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một đất nước và có quy định rõ ràng về phát ngôn và rất minh bạch đối với thông tin về dịch bệnh. Chính vì vậy những thông tin chưa mang tính khẳng định sẽ không được thông báo.
Còn việc tung thông tin giả, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội thì không chỉ riêng vấn đề về dịch bệnh mà từ lâu đã là câu chuyện của cả các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, có thể nhận thấy tin giả liên quan đến dịch COVID-19 không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng xã hội, mà còn tạo ra nhiều tác động tiêu cực ở những mức độ khác nhau đối với công tác phòng, chống dịch. Do đó, ngăn chặn, đẩy lùi tin giả là yêu cầu luôn mang tính cấp thiết đối với "cuộc chiến" chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Để đẩy lùi tình trạng này, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, ngoài việc cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan liên quan cần vào cuộc để đẩy lùi, ngăn chặn thông tin giả, thì việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân là điều vô cùng cần thiết.
"Cần tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân những kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng. Khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Cần xem các tin tức về dịch bệnh từ các báo hay kênh truyền hình chính thống, từ nguồn thông tin của Bộ Y tế…
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rõ về việc chia sẻ, phát tán, bịa đặt thông tin sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, khi những thông tin giả bị phát tán thì cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng vào cuộc để bác bỏ và xử lý triệt để ngay, tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân", PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra giải pháp.
Lan truyền thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 sẽ bị xử lý như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, Ths. Luật sư Hoàng Thị Hương Giang - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cũng cho biết, dưới góc độ pháp lý, Luật an ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ về việc nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8 Luật này.
Do đó, mọi hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh trên không gian mạng đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy từng tính chất mức độ, hậu quả của hành vi thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, về chế tài xử phạt hành chính thì theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 gây hoang mang trong nhân dân chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc gỡ bỏ thông tin không đúng sự thật theo quy định.
Về chế tài xử lý hình sự, người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tuỳ từng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi thì người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù theo quy định của Khoản 2 Điều luật này.
"Trước tình trạng trên, tôi cho rằng người dân cần thận trọng khi sử dụng mạng xã hội, chọn lọc các thông tin chính thống của các cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin chính xác về dịch bệnh COVID-19. Đồng thời không đăng tải, chia sẻ hoặc bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin không đúng sự thật.
Ngoài ra, nếu phát hiện những thông tin không đúng sự thật, bị xuyên tạc trên mạng xã hội thì người dân cũng cần kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng để ngăn chặn sự lan truyền các thông tin này, tránh gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch", Ths. Luật sư Hoàng Thị Hương Giang nhấn mạnh.