1. Trang chủ /
  2. Còn mãi khúc tráng ca trên bầu trời

Còn mãi khúc tráng ca trên bầu trời

thứ hai, 24/7/2023 20:57 GMT+07
Hơn 50 năm đã đi qua, song Chiến thắng “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không” vẫn in đậm trong tâm trí người Việt Nam như một bản hùng ca bất tận.
Máy bay MIG 21 xuất kích bắn phá B52. Ảnh Tư liệu

Ðó là chiến thắng thể hiện tầm cao và trí tuệ của con người Việt Nam trước một đội quân hùng hậu, được trang bị các loại vũ khí tối tân khi đó.

Huyền thoại về “quả tên lửa” thứ ba lao vào B-52 Mỹ

Ngày 28/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn gửi Công hàm tới Chính phủ nước ta đề nghị nối lại đàm phán Hội nghị Paris. Chính phủ ta gửi Công hàm đồng ý hai bên gặp lại vào ngày 8/1/1973 với điều kiện Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc, trở lại nguyên trạng như trước ngày 18/12/1972.

Tuy vậy, ngày 28/12/1972, Mỹ vẫn huy động lực lượng không quân đánh phá ác liệt vào Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn và các mục tiêu trọng yếu ở miền Bắc. Ban ngày, Không quân Mỹ sử dụng hơn 100 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các trận địa tên lửa, cơ sở kho tàng, cầu cảng, khu công nghiệp ở Hà Nội và các địa phương miền Bắc.

Đêm 28/12, Mỹ huy động 60 lần chiếc máy bay B-52, 50 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống cùng 6 lần chiếc máy bay F-111 đánh phá các mục tiêu ở Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Việt Trì, các trận địa tên lửa. Máy bay của Hải quân Mỹ tiếp tục đánh phá Hải Phòng. Trước đó, đêm ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân đã lập chiến công đầu tiên khi bắn rơi một máy bay B-52 cho không quân. Thành tích này đã cổ vũ niềm tin rất nhiều cho những phi công MIG-21 trong công cuộc hạ gục “siêu pháo đài bay B-52 bất khả xâm phạm” của đế quốc Mỹ.

Tiếp đó, Thượng úy, phi công Vũ Xuân Thiều, Trung đội trưởng Trung đội bay thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không -Không quân đã làm nên huyền thoại. Cụ thể, đúng 21 giờ 45 phút ngày 28/12, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh, gần đến tốp máy bay địch, anh được chỉ thị cho máy bay quay vòng phải và lách qua lực lượng tiêm kích của địch để tiếp cận B-52. Chiếc MIG bay xuyên vào giữa đội hình máy bay địch, Sở Chỉ huy Trung đoàn 927 nhắc Thiều bình tĩnh tiếp tục tiếp cận B-52, vì địch đông mà chỉ có một chiếc máy bay ta, chúng sẽ khó phát hiện. Mà nếu có cũng không dám bắn vì sợ bắn vào nhau.

Ở độ cao 11 nghìn mét, Vũ Xuân Thiều báo cáo về Sở Chỉ huy: “Tôi đã phát hiện được mục tiêu. Xin phép công kích”. Cả Sở Chỉ huy hồi hộp hướng về phía loa, đợi tiếng Thiều hô “cháy rồi”. Với bản lĩnh kiên cường, quả cảm, kỹ thuật bay giỏi, ai cũng tin tưởng Vũ Xuân Thiều sẽ lập công xuất sắc. Nhưng một phút, hai phút vẫn không nghe thấy tiếng Thiều, chỉ có tiếng sĩ quan dẫn đường liên tục gọi “có nghe thấy không”, tất cả chỉ rơi vào thinh không.

Trên màn hình ra-đa, hai vệt sáng của MIG và B-52 chặp lại với nhau phát ra một chấm sáng to lạ thường, rồi tóe ra thành những chấm nhỏ rơi xuống. Vũ Xuân Thiều đã mãi mãi hòa cùng bầu trời đêm ấy để ngăn chặn B-52 trước khi chúng kịp vào ném bom Hà Nội.

Trong lúc bắn phá, phóng hai tên lửa bắn trúng mục tiêu thì máy bay của Thiều cũng đã lao vào chiếc B-52 và hy sinh anh dũng. Đây là chiếc máy bay B-52 thứ hai bị bắn hạ bởi Không quân nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là chiếc “pháo đài bay” cuối cùng của Mỹ bị bắn rơi trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972.

Về sau này, một số chuyên viên Cục Hàng không dân dụng Việt Nam sang Mỹ công tác đã đọc được cuốn sách “Không chiến trên bầu trời Bắc Việt” trưng bày tại Viện Bảo tàng Không quân Mỹ tại Washington. Cuốn sách nói nhiều đến chiến công của các phi công Việt Nam, trong đó có ba phi công đã bắn rơi B-52 Mỹ: Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều. Đặc biệt cuốn sách viết về tinh thần cảm tử của phi công Vũ Xuân Thiều, do một phi công Mỹ lái máy bay làm nhiệm vụ vệ tinh cho chiếc B-52 Mỹ bị máy bay của Thiều tấn công đêm hôm đó kể lại.

Lời kể được tác giả Istvan Toperczer ghi: “... Chiếc máy bay MIG-21 của không quân Bắc Việt lao vút lên bầu trời. Khi phát hiện ra mục tiêu B-52 và các máy bay tiêm kích của Mỹ bảo vệ, chiếc MIG-21 đã mưu trí vượt qua hàng rào bảo vệ và tiếp cận mục tiêu. Quả tên lửa thứ nhất phóng đi, rồi quả thứ hai, chiếc B-52 bị thương nhẹ chỉ tròng trành trong vài giây rồi vẫn gắng gượng lao đến vị trí cắt bom. Khi khói vàng vừa nhả ra thì chớp nhoáng chiếc MIG-21 lao như một mũi tên vào chiếc B-52 Mỹ. Cả hai khối sắt thép cùng nổ tung trên bầu trời...”.

Với sự quả cảm quyết liệt diệt địch, anh được tặng Huân chương Quân công hạng Ba, sau đó được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. “Nửa thế kỷ đã trôi qua, chú Thiều và các đồng đội góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi là niềm tự hào của tất cả chúng ta”, Đại tá Vũ Xuân Thăng, người anh trai thứ hai trong gia đình anh hùng Vũ Xuân Thiều chia sẻ tại một cuộc giao lưu nhân chứng kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ trên không.

“Nếu có ngày con không về”…

Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh trai Anh hùng LLVTND phi công Vũ Xuân Thiều trong một cuộc hội ngộ nhân chứng lịch sử
Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh trai Anh hùng LLVTND phi công Vũ Xuân Thiều trong một cuộc hội ngộ nhân chứng lịch sử

Đại tá Vũ Xuân Thăng kể, là con trai thứ 7 trong gia đình có 10 người con, “chú Thiều là người ít nói nhưng quyết đoán và mạnh mẽ hơn cả”. Trong ký ức người anh ruột, năm Thiều lên hai tuổi bị một mụn nhọt rất to ở sau lưng, dân gian vẫn gọi là “hậu bối”, vị trí rất nguy hiểm hành hạ. “Thiều sốt liên tục mấy ngày liền, tôi phải bế em ấp vào người cho khỏi đau nhưng tuyệt nhiên em không kêu khóc”.

“Thiều thích máy bay từ nhỏ. Chú ấy vẽ rất nhiều máy bay trong những cuốn vở của mình”. Khi đang là sinh viên Đại học Bách khoa, Vũ Xuân Thiều giấu gia đình đi khám tuyển phi công. Lần khám đầu tiên anh không trúng tuyển, vì không chịu nổi được “thử thách” ở phần quay tròn để kiểm tra tiền đình. Không nản, về nhà, anh kiên trì luyện quay tròn bằng cách thức khá đặc biệt. Ngày ấy ông Thắng ở đơn vị quân đội nên sau này mới được nghe em gái kể lại chuyện Thiều luyện tập thêm để khám tuyển phi công. “Sau lần khám tuyển bị trượt, cứ chiều chiều chú ấy lên tầng nhà trên cùng để luyện… quay tròn. Và ở kỳ khám tuyển tiếp đó, Thiều đã trúng tuyển phi công”.

Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô, Vũ Xuân Thiều trở về nước, được điều về đơn vị chuyên bay và chiến đấu ban đêm, gồm những phi công có trình độ kỹ thuật, chiến thuật cao, có lòng dũng cảm, mưu trí.

Đại tá Vũ Xuân Thăng hồi đó cũng làm việc tại Tổng cục Chính trị nên mặc dù hai anh em không gặp nhau nhưng mọi diễn biến chiến sự và tình hình Thiều ở đơn vị, ông đều nắm được. Trực chiến, báo động chuyển cấp, xuất kích chiến đấu là những việc lặp đi lặp lại liên tục. Anh em chỉ thi thoảng nói chuyện với nhau qua đường dây nội bộ vài câu.

Mặc dù lịch chiến đấu dày đặc, nhưng các phi công tranh thủ những lúc rảnh rỗi xen kẽ giữa các lần báo động viết nhật ký, thư từ gửi về cho người thân. Vũ Xuân Thiều cũng vậy. Trong thư anh kể chuyện chiến đấu, chuyện sinh hoạt ở đại đội, dặn dò và động viên bố mẹ nếu có ngày “con không về”…

Lá thư ngày 21/12/1972, Vũ Xuân Thiều đang viết dở thì có lệnh vào cấp chiến đấu. Thư có đoạn: “Bố mẹ thân yêu! Qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề vì phải đứng nhìn lửa đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội, con thấy uất ức lắm vì chưa làm được gì. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà của mình, cũng không có quyền nghĩ đến bản thân…”. Lá thư cuối cùng dang dở ấy đến tay người nhận khi Vũ Xuân Thiều đã trở về miền mây trắng, là ánh sao hòa trong đêm ấy…

Ông Thắng kể: “Thư của chú ấy thường được chuyển về gia đình thông qua đồng đội. Nhà ở phố Đặng Dung, nên nhiều đồng đội của chú ấy mỗi khi về quê thường qua gửi xe đạp để ra ga đi tàu”.

“Bố mẹ và cả nhà yêu thương!

Anh hùng Vũ Xuân Thiều và câu chuyện quả tên lửa thứ ba. Ảnh Tư liệu.
Anh hùng Vũ Xuân Thiều và câu chuyện quả tên lửa thứ ba. Ảnh Tư liệu.

“Dạo này con bận quá. Hầu như ít lúc nào rỗi rãi… Có lẽ ở nhà mong tin con và ngược lại - con rất mong tin ở nhà. Hôm nay máy bay Mỹ đánh Hà Nội… Con nghĩ nhà nên tìm cách sơ tán bớt lũ trẻ. Không thể nào lường trước được mức độ ác liệt của những cuộc chiến sắp tới. Tụi nó dám dùng B-52 để đánh Hà Nội lắm chứ”.

“Ngồi nhìn cột khói Đức Giang mà đau lòng. Ngồi nghe tin tụi nó đánh các thành phố mà uất ức và nhất là nghe tin nó đánh Hà Nội”… Và rồi chàng phi công người Hà Nội lại nhắc đến B-52, với tất cả quyết tâm và sự sẵn sàng cao độ: “Với B-52, tất cả đã sẵn sàng quyết chiến, bằng bất cứ giá nào cũng đánh, bất cứ điều kiện nào cũng đánh…”.

Đại tá Vũ Xuân Thăng nhớ lại: “Vì tham gia thành phần trực sở chỉ huy nên đêm 28/12/1972, tôi cũng biết có một chiếc B-52 bị không quân ta bắn hạ và phi công của ta cũng anh dũng hy sinh. Đến sáng hôm sau thì tôi là người đầu tiên trong gia đình nhận tin em trai mình đã hy sinh trong trận đánh với B-52 đêm hôm trước”…

Trong chiếc ba lô đơn vị gửi lại gia đình, có một số kỷ vật của phi công Vũ Xuân Thiều, trong đó có chiếc radio, mấy bộ quân phục thường dùng… Một số kỷ vật đã được gia đình trao tặng cho các bảo tàng. Và lá thư thời chiến đề ngày 16/4/1972 được gia đình gìn giữ đã được trao cho Bảo tàng Phòng không - Không quân nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng B-52.

Nhiều năm sau, tại số nhà 21 Đặng Dung (Hà Nội) vẫn thường đón những người đồng đội của liệt sĩ, phi công Vũ Xuân Thiều đến thăm. Vào ngày giỗ của anh, có những người đến vào buổi tối để được thắp hương tưởng nhớ người phi công quả cảm vào đúng thời khắc anh Vũ Xuân Thiều anh dũng hy sinh, thời khắc quầng sáng trên bầu trời Sơn La bùng lên khi “siêu pháo đài bay” B-52 đã không thể chống cự được ý chí “vì nước quên thân” của một người lính Cụ Hồ…

Trong ký ức bạn bè đồng đội, anh hùng Vũ Xuân Thiều là một người lính Hà Nội thư sinh khác hẳn với tinh thần thép quả cảm của anh. Ngày đó, anh đã có bạn gái và đồng đội khi về Hà Nội đều được anh nhờ mua giấy pơ luya cùng phong bì thư xinh xắn để viết thư cho người yêu. Họ nhớ cả màu hoa vàng như nắng mai mà nàng thích. Về sau này, người con gái ấy vẫn đi lại như một người con gái của gia đình.

Hiện nay, tên anh hùng Vũ Xuân Thiều được đặt cho một con phố và một ngôi trường ở quận Long Biên (Hà Nội). Ở đó, những ban mai, những ngày nắng lấp lánh nụ cười trẻ nhỏ và những tương lai được viết tiếp, từ máu xương của cha anh mình…