Công an vào cuộc vụ bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm “khám” xe phóng viên
Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Công an xã Long Hưng
Ngày 22/4/2023, Báo Công lý đăng tải bài “Đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm đặt lịch làm việc, phóng viên bị “khám” xe”, phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhóm bảo vệ và nhân viên Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm (xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Theo đó, ngày 13/4/2023, khi tới bệnh viện này để liên hệ làm việc, lúc ra về, phóng viên Báo Công lý và một nữ đồng nghiệp đã bị nhân viên và bảo vệ bệnh viện chặn lại để “khám” xe ô tô.
Sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã vào cuộc xác minh.
Tại buổi làm việc với Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Giang vào sáng 4/5, phóng viên Báo Công lý đã trình bày đúng diễn biến sự việc, đồng thời đề nghị cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định nếu có hành vi vi phạm của nhóm bảo vệ và nhân viên Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm; xác minh, làm rõ trách nhiệm của Lãnh đạo Bệnh viện; trách nhiệm của Phó trưởng Công an xã Long Hưng khi có mặt tại hiện trường nhưng không ngăn chặn hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trước đó, ngày 26/4/2023, Hội Nhà báo Việt Nam đã có Công văn số 32-CV/HNBVN, do Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi ký, gửi UBND tỉnh Hưng Yên và Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên về việc đề nghị bảo vệ phóng viên, hội viên khi tác nghiệp.
Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về thủ tục, thẩm quyền khám xét phương tiện của công dân, cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên cơ quan báo chí”.
“Để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của phóng viên, hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam kính đề nghị quý cơ quan chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên, bảo vệ Bệnh viện đa khoa Phúc Lâm, cũng như của lực lượng Công an xã Long Hưng (nếu có) theo thẩm quyền và thông báo kết quả điều tra, xử lý với Hội Nhà báo Việt Nam (qua Ban Kiểm tra) bằng văn bản”, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị.
“Thêu dệt” sự việc để vu khống phóng viên?
Trong khi vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Giang xác minh, điều tra và xử lý theo quy định, ngày 4/5, Báo Công lý nhận được văn bản với tiêu đề “Đơn đề nghị”, đề ngày 27/4/2023, có dấu và chữ ký được cho là của ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Y học Phúc Lâm (Tập đoàn Y học Phúc Lâm), cho rằng: Báo Công lý thông tin một chiều, không khách quan, không đúng sự thật vụ việc; lấp lửng, đặt dấu hỏi vu khống phóng viên có tư lợi.
Văn bản được cho là của Tập đoàn Y học Phúc Lâm có nội dung: “Ngày 13/4 xảy ra vụ việc mất máy chủ của bệnh viện, Công an xã Long Hưng đang tiến hành xác minh, kiểm tra, truy tìm và đề nghị tất cả các xe ra vào bệnh viện phải bị kiểm tra. Chúng tôi và phóng viên báo phải có trách nhiệm phối hợp khi có yêu cầu. Không một tổ chức, cá nhân nào khám xe của quý báo và phóng viên. Công an xã Long Hưng chỉ yêu cầu phối hợp mở cửa kiểm tra trong xe có tài sản bị cướp hay không. Tuy nhiên, trong bài báo ghi mập mờ là bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm khám xét, giữ xe, xúc phạm…”.
Văn bản quy chụp rằng: “Phóng viên, lãnh đạo, nhân viên Công ty TNHH Glomedo, nhóm người lạ mặt, xã hội xăm trổ… xuất hiện cùng ngày, cùng giờ xảy ra việc mất máy chủ của Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm, cướp máy móc, thiết bị y tế, gây rối trật tự công cộng. Chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng không có trách nhiệm phản ánh thông tin khách quan, trung thực”. Từ đó đặt những dấu hỏi vu khống phóng viên Báo Công lý có tư lợi?
Thực tế, ngày 12/4/2023, Báo Công lý nhận được đơn của bà Trịnh Kim Giang (trú tại Khu đô thị Time City, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), phản ánh về việc bà bị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Y học Phúc Lâm hành hung gây thương tích và có dấu hiệu giam giữ trái pháp luật.
Để có thông tin chính thống, khách quan, lãnh đạo Báo Công lý đã phân công phóng viên tới làm việc với Công an xã Long Hưng, Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm và Tập đoàn Y học Phúc Lâm. Chiều 12/4/2023, phóng viên Báo Công lý cùng đồng nghiệp đã đến Công an xã Long Hưng liên hệ làm việc theo Giấy giới thiệu số 70/GGT-BCL.
Sáng 13/4, phóng viên Báo Công lý cùng đồng nghiệp tới Công an Long Hưng làm việc theo lịch hẹn. Tiếp đó, phóng viên tới Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm để liên hệ đặt lịch làm việc. Khi ra về thì bị bảo vệ và nhân viên Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm chặn lại để “khám” xe.
Ngoài ra, phóng viên Báo Công lý không biết, không chứng kiến bất cứ sự việc nào như văn bản được cho là của Tập đoàn Y học Phúc Lâm “thêu dệt”. Giả sử, có sự việc bệnh viện mất máy chủ như nội dung trong văn bản, nhân viên và bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm cũng không có quyền chặn, “khám” xe của phóng viên. Hoạt động tác nghiệp báo chí của phóng viên và việc Bệnh viện bị mất trộm là 2 việc hoàn toàn khác nhau.
Theo quy định tại Điều 192, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc khám xét phương tiện chỉ được thực hiện khi có căn cứ nhận định về việc trong phương tiện của cá nhân có tài sản do phạm tội mà có hoặc có đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.
Những chủ thể có thẩm quyền thực hiện việc khám xét theo quy định tại khoản 1, Điều 113, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 mới có thể đưa ra quyết định khám xét. Vì vậy, việc nhân viên và bảo vệ công ty chặn xe phóng viên để “khám” với lý do mất trộm là chưa đúng quy định của pháp luật.
Cũng cần phải nói thêm rằng, thời điểm phóng viên bị chặn lại để khám xe chưa có sự xuất hiện của lực lượng Công an xã Long Hưng như nội dung được “thêu dệt” trong văn bản.
Tại thời điểm lực lượng bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm yêu cầu cho khám xe, phóng viên đã đề nghị mời lãnh đạo bệnh viện và Công an tới làm việc; đồng thời, yêu cầu trích xuất camera an ninh của Bệnh viện từ thời điểm phóng viên vào đăng ký làm việc, nhưng nhóm người này không thực hiện.
Chỉ sau khi phóng viên liên hệ với lực lượng 113, Lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên, Công an huyện Văn Giang, Công an xã Long Hưng để trình báo sự việc, ông Chu Đức Lễ, Phó trưởng Công an xã Long Hưng cùng lực lượng Công an xã Long Hưng mới tới khu vực hiện trường xe phóng viên.
Tuy nhiên, thay vì ngăn chặn hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhân viên và bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm, Phó Trưởng Công an xã Long Hưng lại yêu cầu phóng viên phối hợp để bảo vệ bệnh viện kiểm tra xe của phóng viên.
Chỉ tới khi đạt mục đích “khám” được xe của phóng viên, nhóm bảo vệ và nhân viên bệnh viện mới để phóng viên ra về. Sau khi “khám” xe xong, phóng viên có yêu cầu các bên lập biên bản ghi nhận sự việc nhưng không được thực hiện. Toàn bộ quá trình diễn ra sự việc đều được phóng viên ghi âm, ghi hình đầy đủ.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: Trong trường hợp Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm bị mất máy, đơn vị này phải có đơn trình báo về việc mất trộm tài sản nộp đến Cơ quan Công an gần nhất. Sau khi nhận được tin báo tội phạm, nếu có đủ căn cứ, cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết theo quy định.
"Bảo vệ và nhân viên Phòng Hành chính bệnh viện không thể cho rằng bệnh viện bị mất máy thì được quyền khám xét xe phóng viên đến liên hệ làm việc khi chưa có đủ căn cứ theo quy định nêu trên. Đây là việc làm trái với quy định của pháp luật" - Luật sư Hùng nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Hoàng Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi không cho phóng viên lái xe ra khỏi bệnh viện của bảo vệ Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm đã có dấu hiệu của việc giữ tài sản trái pháp luật và cản trở hoạt động báo chí. Việc yêu cầu kiểm tra xe, thực hiện khám xét xe ô tô như trên là trái quy định, xâm phạm đến quyền cơ bản công dân.
Không chỉ vậy, việc bảo vệ và nhân viên Phòng Hành chính của Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm tiến hành khám xét xe phóng viên giữa khuôn viên bệnh viện đã có dấu hiệu của việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Vì việc khám xe trái phép diễn ra nơi công cộng, sẽ khiến nhiều người chứng kiến vụ việc lầm tưởng rằng hai phóng viên đã trộm cắp tài sản của bệnh viện.