1. Trang chủ /
  2. Công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6

thứ ba, 26/12/2023 10:53 GMT+07
Sáng 25/12, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Quang cảnh buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật. (Ảnh: PV)

7 luật gồm: Luật Viễn thông; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước; Luật Nhà ở; Luật Tài nguyên nước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Kinh doanh bất động sản.

Người dân không phải điều chỉnh thông tin về căn cước công dân

Giới thiệu về Luật Căn cước 2023, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, theo quy định tại Luật này, đối tượng áp dụng được mở rộng hơn so với Luật Căn cước công dân năm 2014.

Luật mới bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu. Còn với người từ đủ 14 tuổi trở lên, làm thẻ căn cước là bắt buộc. Đồng thời, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, Luật Căn cước mới đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa quy định về thông tin số thẻ căn cước; dòng chữ “căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ” được sửa thành “số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước...”. Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Luật Căn cước năm 2023 còn bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước.

Trung tướng Lê Quốc Hùng. (Ảnh: PV)
Trung tướng Lê Quốc Hùng. (Ảnh: PV)

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Việc này giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Với trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp, đổi lại thẻ căn cước, Luật Căn cước năm 2023 quy định bổ sung việc cấp lại thẻ căn cước được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia (người dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục). Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước cho người dân.

Ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật

Thông tin về một số nội dung mới trong Luật Viễn thông năm 2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Luật 2023 mở rộng phạm vi điều chỉnh một số dịch vụ mới như dịch vụ trung tâm dữ liệu; dịch vụ điện toán đám máy, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT viễn thông) được thực hiện theo cách tiếp cận “quản lý nhẹ”; bổ sung một số quy định tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng viễn thông; quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá…

Thứ trưởng Phạm Đức Long. (Ảnh: PV)
Thứ trưởng Phạm Đức Long. (Ảnh: PV)

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật, Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ, thời gian qua, Bộ đã cố gắng phối hợp với Bộ Công an trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, cần thêm thời gian để đối soát, làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao.

Thứ trưởng Bộ TT&TT lý giải, Luật Viễn thông trước đây không quy định trách nhiệm của các nhà mạng, hay trách nhiệm, sự tham gia của người dân trong vấn đề xử lý thông tin thuê bao. Còn với Luật 2023, đối với người dân, Luật bổ sung quy định nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin của mình để giao kết hợp đồng cho người khác, trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao mà mình đã đăng ký sử dụng tại khoản 4 Điều 15

Cụ thể, hiện nay, thông tin thuê bao phải cập nhật, đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có tình trạng một số người dân được thuê đi đăng ký thông tin thuê bao. Sau khi đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì thông tin thuê bao hoàn toàn đúng, chỉ có điều không phải người sử dụng nên tình trạng sim không chính chủ vẫn còn tràn lan. Luật 2023 quy định trách nhiệm của người dân, nếu làm thuê đăng ký thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính.

Về trách nhiệm của nhà mạng, nhà mạng trước đây chỉ lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, không đồng hành để xác thực thông tin thuê bao; thì này doanh nghiệp viễn thông phải có nghĩa vụ xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các sim có thông tin không đầy đủ, không chính xác (sim rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật tại khoản 2 Điều 13.

“Kết hợp giữa trách nhiệm của người dân với trách nhiệm của các nhà mạng, chúng tôi kỳ vọng sẽ giải quyết được triệt để vấn đề sim rác thời gian tới”, Thứ trưởng Phạm Đức Long bày tỏ.