Công trình sai phạm của Cty Sông Lam: UBND Thanh Hóa yêu cầu xử lý dứt điểm
Chiếm đất công để xây dựng nhà xưởng
Theo các hồ sơ, tài liệu, từ tháng 3/2019 - 4/2020, Cty TNHH Dịch vụ - Vận tải Sông Lam (do ông Hồ Bá Lam làm Giám đốc) đã tổ chức thi công, xây dựng xưởng may tại xã Thanh Sơn, TX Nghi Sơn trên diện tích 1.625m2 đất nông nghiệp và đất lấn chiếm.
Cụ thể, Cty Sông Lam đã xây nhà xưởng khung thép, mái lợp tôn, diện tích khoảng 825m2 (590m2 trên đất vườn cùng thửa đất ở và 235m2 trên đất nông nghiệp 10% của hộ gia đình).
Ngoài ra, Cty này còn lấn chiếm 800m2 đất chưa sử dụng (đất sông sau cải tạo, dịch chuyển) do UBND xã Thanh Sơn quản lý để lắp dựng các công trình phụ trợ: Nhà để xe 168m2, Nhà ăn ca 106m2 và 526m2 làm nơi xếp dỡ hàng.
Theo báo cáo của UBND xã, từ 2019 - 2020, khi phát hiện ông Lam xây dựng xưởng may và các công trình phụ trợ, UBND xã đã lập biên bản vi phạm và ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền 11,5 triệu đồng, yêu cầu ông Lam tự tháo dỡ công trình vi phạm. Do ông Lam không thực hiện tháo dỡ, ngày 13/4/2020, Chủ tịch UBND xã có Quyết định cưỡng chế 46/QĐ-CCXP buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả với Cty Sông Lam. Ngày 17/4/2020, Cty tháo dỡ các công trình phụ trợ trên đất UBND xã quản lý.
Tháng 9/2021, Cty này dựng lại các hạng mục công trình phụ trợ (khung sắt, mái lợp tôn) tại các vị trí đã tháo dỡ, gồm: Nhà để xe diện tích 260m2; nhà ăn tạm kết hợp văn phòng, diện tích 93m2; nhà bảo vệ, diện tích 10m2. Sau khi phát hiện, UBND xã tiếp tục lập biên bản vi phạm và có Quyết định xử phạt hành chính 161/QĐ-XPVPHC số tiền 6 triệu đồng, yêu cầu Cty tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả nguyên hiện trạng của đất. Tuy nhiên đến nay, Cty Sông Lam vẫn chưa tháo dỡ công trình vi phạm.
Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kết luận, việc Cty Sông Lam xây dựng các hạng mục công trình xưởng may tại thôn Thanh Bình, xã Thanh Sơn, là sai mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất; vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng.
Trong các văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền, UBND huyện Tĩnh Gia (nay là UBND TX Nghi Sơn) cho biết, sau khi phát hiện vi phạm của Cty Sông Lam, thì UBND TX đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND xã xử lý vi phạm với Cty, đồng thời trả lời những kiến nghị, đề xuất của ông Lam.
Tại Văn bản 2005/UBND-QTXD ngày 12/5/2023, Chủ tịch UBND TX Nghi Sơn đã phê bình Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, đồng thời chỉ đạo UBND xã này yêu cầu Cty dừng mọi hoạt động sản xuất, di chuyển máy móc thiết bị ra khỏi công trình vi phạm; tự tháo dỡ các công trình vi phạm (gồm cả xưởng may trước đây chưa tháo dỡ), trả nguyên hiện trạng ban đầu của đất.
UBND TX Nghi Sơn cho rằng, vi phạm của Cty Sông Lam diễn ra nhiều năm, việc xử lý vi phạm không quyết liệt, không dứt điểm… trách nhiệm thuộc về UBND xã Thanh Sơn mà đứng đầu là Chủ tịch UBND xã.
Đội Kiểm tra Quy tắc xây dựng, Phòng TN&MT… thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc UBND xã Thanh Sơn xử lý dứt điểm vi phạm của Cty Sông Lam là chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao.
Lý giải thiếu nhất quán của UBND TX Nghi Sơn
Mặc dù chỉ rõ sai phạm, trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong sự việc này như đã nêu trên; nhưng sau đó, trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa (Công văn 2183/UBND-QTXD ngày 19/5/2023), UBND TX Nghi Sơn lại cho rằng, vi phạm của Cty Sông Lam chưa được xử lý dứt điểm là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và việc làm người dân địa phương.
“Để giảm bớt khó khăn và hoàn thành đơn hàng cho đối tác trong khi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, UBND TX đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét cho phép giãn thời gian xử lý vụ việc vi phạm của Cty Sông Lam”, công văn nêu.
UBND Nghi Sơn đề xuất trước hết, yêu cầu Cty nghiêm túc chấp hành, tự tháo dỡ các hạng mục phụ trợ, xây dựng trên đất lấn chiếm, trả lại hiện trạng ban đầu của đất; với hạng mục công trình nhà máy may, cho phép Cty được giữ nguyên hiện trạng, duy trì hoạt động sản xuất đến khi tìm được địa điểm mới hợp pháp, chậm nhất tháng 3/2024.
Về phía Sở Xây dựng, tại Văn bản số 4000 ngày 20/6/2023 báo cáo UBND tỉnh, đánh giá đề nghị xem xét cho phép giãn thời gian xử lý vi phạm với Cty Sông Lam của UBND TX Nghi Sơn là “pháp luật không có quy định”.
Theo Sở Xây dựng, hạng mục công trình nhà xưởng là công trình tập trung đông người nhưng Cty tự xây dựng, không có thiết kế được được cơ quan chuyên môn thẩm định, do đó không có cơ sở đánh giá khả năng an toàn công trình trong quá trình sử dụng; nên không có cơ sở để xem xét cho phép công trình được tồn tại, giãn thời gian xử lý vi phạm theo đề nghị của UBND TX Nghi Sơn.
Mới đây, một lần nữa, tại văn bản báo cáo Chủ tịch UBND Thanh Hóa (Công văn 3473 ngày 29/7/2023), UBND Nghi Sơn lại đề nghị xem xét cho Cty Sông Lam được giãn thời gian tháo dỡ xưởng may, duy trì hoạt động sản xuất đến khi tìm được địa điểm mới hợp pháp, chậm nhất đến tháng 3/2024.
Lý do UBND Nghi Sơn đưa ra là “Cty Sông Lam đang thực hiện đơn hàng đã ký với đối tác nước ngoài, nếu phải tháo dỡ xưởng may ngay thời điểm này Cty phải dừng hoạt động, sẽ bị phạt do vi phạm hợp đồng, dẫn đến khả năng phá sản, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công ăn việc làm của hơn 100 công nhân; gây mất an ninh trật tự, tình hình chính trị tại địa phương”.
Tuy nhiên, sau khi xem xét báo cáo của Sở Xây dựng số 5577/SXD-TTr ngày 18/8/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Mai Xuân Liêm một lần nữa chỉ đạo: “Yêu cầu UBND TX Nghi Sơn theo thẩm quyền xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm với Cty Sông Lam bảo đảm đúng quy định pháp luật; báo cáo UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền”.