1. Trang chủ /
  2. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật

thứ tư, 16/8/2023 10:47 GMT+07
Ngày 16/8/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (05/8/2003 - 05/8/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng thưởng.
Tập thể lãnh đạo, công chức Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Cục Kiểm tra VBQPPL đã thực hiện ngày càng có chất lượng, hiệu quả, toàn diện chức năng, nhiệm vụ được giao về kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống QPPL. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và quyết tâm, nỗ lực, vượt khó không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, công chức đơn vị, Cục Kiểm tra VBQPPL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Bám sát tình hình thực tiễn và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, thông qua hoạt động quản lý nhà nước (hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện), Cục đã kịp thời nhận diện, giải quyết những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo được những chuyển biến tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện ngày càng có nề nếp, chất lượng, hiệu quả hơn các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển theo quy định của pháp luật, qua đó phát huy vai trò, hiệu quả của pháp luật đối với đời sống và tăng cường sự giám sát, quản lý của người dân, của xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.

Trong công tác kiểm tra VBQPPL theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hoạt động kiểm tra văn bản của Cục ngày càng bảo đảm tiếp cận, kiểm tra một cách kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, bám sát thực tiễn ban hành văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh và sự phản ánh, kiến nghị của cơ quan báo chí, người dân, tổ chức, thể hiện vai trò của Bộ Tư pháp trong việc tích cực, kịp thời phản ứng chính sách, nhất là đối với các văn bản liên quan rộng rãi, trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh. Việc phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật luôn được Cục tiến hành cẩn trọng, đảm bảo tính chính xác trong phát hiện và sâu sát, hiệu quả trong xử lý, giúp cơ quan ban hành văn bản nhận thức rõ vấn đề để xử lý kịp thời vì lợi ích chung của xã hội, mặt khác giúp người dân và dư luận xã hội hiểu đúng, đầy đủ quy định của pháp luật, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan nhà nước.

Công tác rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa VBQPPL, với vai trò đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện của Cục, trong những năm qua đã thực hiện đúng theo quy định về rà soát thường xuyên, rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực; công bố văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực hàng năm; hệ thống hóa văn bản QPPL theo định kỳ 5 năm; hợp nhất văn bản và đăng tải công khai văn bản hợp nhất kịp thời. Qua đó đã kiểm soát hiệu quả về chất lượng, số lượng VBQPPL, đảm bảo cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, với vai trò là đơn vị thực hiện nhiệm vụ Bộ phận thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL - Cục đã tập trung, tích cực tham mưu, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao các đợt rà soát tổng thể và rà soát chuyên sâu đối với VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước do các cơ quan Trung ương ban hành.

Thông qua đó đã nhận diện, nghiên cứu xử lý, hoàn thiện, tháo gỡ những bất cập, hạn chế, vướng mắc về thể chế để khơi thông nguồn lực cho sự phát triển, nhất là các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong các lĩnh vực đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm trong điều kiện tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chú trọng các chính sách thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo cơ sở cho việc thể chế hóa và triển khai thực hiện các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trongcông tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.

Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổ công tác rà soát VBQPPL của TTCP.

Trong công tác pháp điển hệ thống QPPL, xây dựng Bộ pháp điển, với tinh thần nỗ lực, quyết tâm của Cục, sự phối hợp chặt chẽ, hợp hiệu quả giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, đến nay Bộ pháp điển đã được hoàn thành cơ bản, vượt tiến độ 01 năm so với thời hạn được đề ra theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với việc rà soát, sàng lọc, tập hợp, sắp xếp một cách có hệ thống các QPPL đang có hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành theo các nhóm quan hệ xã hội, lĩnh vực, vấn đề cụ thể và truyền tải trên môi trường điện tử - Bộ pháp điển đãtạo nên kênh thông tin, nguồn dữ liệu VBQPPL chính thức, quan trọng của Nhà nước, có độ chính xác, tin cậy cao.

Cùng với công tác rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản, công tác pháp điển đã giúp cho hệ thống pháp luật minh bạch hơn, dễ tiếp cận hơn đối các cơ quan, tổ chức và người dân trong việc quản lý, tra cứu, áp dụng quy định của pháp luật. Song song với việc xây dựng Bộ pháp điển, công tác tuyên truyền, hướng dẫn khai thác, sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin được Cục chú trọng đẩy mạnh để Bộ pháp điển thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ thiết thực, hiệu quả nhu cầu tra cứu, sử dụng pháp luật của xã hội.

Bên cạnh đó, với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị xây dựng pháp luật, Cục đã thường xuyên tham gia tích cực, trách nhiệm, có chất lượng cao trong hoạt động của Bộ Tư pháp về xây dựng, góp ý, thẩm định dự thảo VBQPPL, qua đó giúp ngăn ngừa, tránh những sai sót, đặc biệt về tính pháp lý, tính phù hợp với thực tiễn của văn bản đã góp phần bảo đảm chất lượng xây dựng VBQPPL do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo.

Các kết quả công tác nêu trên của Cục đã đóng góp tích cực vào quá trình nâng cao chất lượng VBQPPL của Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; khắc phục, hạn chế được các sai sót, bất cập, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, bảo đảm công tác xây dựng, thi hành pháp luật được thuận tiện, hiệu lực, hiệu quả, qua đó nâng cao niềm tin của người dân, xã hội về vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ “Liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân, doanh nghiệp”.

Ghi nhận nhưng kết quả đạt được nêu trên, Cục Kiểm tra VBQPPL vinh dự được trao tặng nhiều hình thức khen thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2018), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2023) của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của ngành Tư pháp…vv

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, trách nhiệm được giao; quán triệt định hướng, yêu cầu của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật đểphục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, trong thời gian tới, Cục Kiểm tra VBQPPL tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Thực hiện sâu sát, hiệu quả vai trò đầu mối, tham mưu của Cục; phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Tư pháptrong công tác quản lý nhà nước, theo dõi, nắm bắt thông tin, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các công tác kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống QPPL, giúp các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả các công tác hậu kiểm VBQPPL. Thông qua thực tiễn công tác, tích cực nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng, ban hành VBQPPL nói chung, thể chế về các lĩnh vực công tác của Cục nói riêng, đặc biệt là về công tác kiểm tra VBQPPL để đáp ứng yêu cầu kiểm soát, nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, tạo nền tảng pháp lý hiệu quả nhất cho sự phát triển đất nước.

2. Tập trung thực hiện kịp thời, thận trọng, chính xác trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tăng cường kiểm tra văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn. Thực hiện tốt nhiệm vụ đơn vị đầu mối của Bộ phận Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VB QPPL để rà soát, xử lý các quy định hạn chế, bất cập, không còn phù hợp, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường năng lực phản ứng chính sách sát hơn, nhanh nhạy hơn đối với những vấn đề pháp lý đặt ra từ thực tiễn cuộc sống.

3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo nội dung Bộ pháp điển luôn chính xác, đầy đủ, có độ tin cậy cao. Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm các tính năng tìm kiếm, tra cứu của Bộ pháp điển thực sự thuận lợi, tiện ích. Nghiên cứu hoàn thiện nội dung, tính năng để nâng cao giá trị, vai trò của Bộ pháp điển và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và công tác quản lý hệ thống pháp luật của cơ quan nhà nước.

4. Không ngừng phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, sâu sát trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công việc. Tổ chức sử dụng hợp lý, có hiệu quả cao nhất nguồn nhân lực của đơn vị, phát huy năng lực, sở trường của từng cá nhân và sức mạnh tập thể; xây dựng môi trường đoàn kết, thân ái, nghĩa tình trong đơn vị để phát huy nhiệt tình, tinh thần cống hiến của công chức. Chú trọng xây dựng đội ngũ công chức của Cục có chất lượng cao về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, đồng lòng vì công việc chung, gắn với việc xây dựng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể của đơn vị, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng đơn vị ngày càng phát triển./.