1. Trang chủ /
  2. Cục Đường sắt sẽ “sắm vai” chủ đầu tư nhiều dự án?

Cục Đường sắt sẽ “sắm vai” chủ đầu tư nhiều dự án?

thứ ba, 4/1/2022 22:47 GMT+07
(PLM) - Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt, nhưng nhiều khả năng, Cục Đường sắt Việt Nam tới đây sẽ kiêm thêm vai trò chủ đầu tư một số dự án sử dụng vốn bảo trì đường sắt hàng năm.

Thay chủ quản, VNR mất quyền

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh sửa Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, trong đó đề xuất cơ chế thực hiện vốn bảo trì hàng năm. Cụ thể, đối với công tác bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia, Bộ GTVT thống nhất đề xuất giao Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Đối với các công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, kiểm định, quan trắc và các công tác khác, triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình. Tức Cục ĐSVN sẽ giữ vai trò là chủ đầu tư.

Theo ông Trần Thiện Cảnh - Phó Cục trưởng Cục ĐSVN, Bộ GTVT đã giao Cục ĐSVN ký hợp đồng đặt hàng với VNR vào tháng 5/2021 để VNR tổ chức thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Cảnh, cơ chế này chỉ thực hiện cho năm 2021.

Theo đó, từ năm 2022, Bộ GTVT đang đề xuất và kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt việc Bộ GTVT (thông qua Cục ĐSVN) sẽ thực hiện vai trò là chủ đầu tư đối với một phần vốn bảo trì đường sắt. Cụ thể, Bộ GTVT giao Cục ĐSVN ký hợp đồng đặt hàng với VNR thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên. Còn công tác sửa chữa định kỳ, khắc phục bão lũ, kiểm định, quan trắc và các công tác khác thì Cục ĐSVN sẽ giữ vai trò chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của PLVN, trước đây, khi VNR vẫn thuộc sự quản lý của Bộ GTVT thì vốn bảo trì đường sắt được giao toàn bộ cho VNR. Tuy nhiên, khi VNR được chuyển sang Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì nảy sinh vấn đề mới. Bộ GTVT không muốn giao vốn bảo trì đường sắt hàng năm cho VNR vì VNR không còn chịu sự quản lý của Bộ GTVT.

Đại diện Cục Đường sắt và VNR ký Hợp đồng đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia năm 2021


Cục vẫn nhiều quyền?

Tuy nhiên, cả VNR và Bộ Tư pháp đều nhận định rằng, việc giao vốn bảo trì đường sắt cho VNR là không vi phạm pháp luật. Hơn nữa, việc này không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu. Còn Bộ Tài chính cho rằng việc giao vốn cho VNR là không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước…

Sau nhiều tranh luận, cuối cùng sự việc được đưa lên Chính phủ để quyết định. Đến nay, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất lên Chính phủ muốn là cơ quan nắm “dây cương” đối với vốn bảo trì đường sắt. Bản chất là Bộ GTVT muốn được làm “chủ” số vốn này trong việc sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Theo tìm hiểu của PLVN, trong năm 2021, dù việc giao vốn cho VNR chậm nhưng đến nay, công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ đường sắt quốc gia được VNR thực hiện khá tốt. Cụ thể, công tác nghiệm thu, thanh toán 6 tháng đầu năm đã hoàn thành.

Tính đến hết tháng 9, VNR đã nghiệm thu xong với các đơn vị và đang trình Cục ĐSVN thẩm định, phê duyệt. Đối với 3 tháng còn lại năm 2021, sẽ được thực hiện xong trong tháng 1/2022. Lãnh đạo Cục ĐSVN cũng xác nhận công tác bảo dưỡng thường xuyên năm 2021 đang được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ. Công tác sửa chữa định kỳ cũng đang được triển khai theo kế hoạch; đảm bảo công tác giải ngân, không chậm nghiệm thu, cũng không ảnh hưởng nợ lương đối với các doanh nghiệp bảo trì.

Được biết, mỗi năm, nhà nước “rót” kinh phí cho ngành Đường sắt từ 2.800 tới hơn 3.000 tỷ đồng để bảo trì, duy tu nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt quốc gia. Từ năm 2020 trở về trước, khi VNR trực thuộc Bộ GTVT, khoản dự toán kinh phí duy tu bảo trì hằng năm này được giao cho VNR. Trên cơ sở đó, VNR ký hợp đồng bảo trì đường sắt với 20 doanh nghiệp quản lý, tín hiệu đường sắt, với 11.000 người lao động, đảm nhận công tác an toàn chạy tàu như: gác chắn, tín hiệu, duy tu, tuần đường...

Minh Hữu