1. Trang chủ /
  2. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Nội có quy mô thế nào?

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Nội có quy mô thế nào?

thứ năm, 24/8/2023 21:32 GMT+07
Sau 14 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Nội cho thấy quy mô, phạm vi, nội dung, hình thức ngày càng có sự điều chỉnh hiệu quả, thiết thực hơn để tôn vinh hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Hà Nội. (Ảnh: Moit)

Hà Nội triển khai nhiều sự kiện thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hà Nội đã triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023.

Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng. 

Các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển của Thủ đô trong quá trình hội nhập kinh tế. 

Khi thực hiện Cuộc vận động (CVĐ), thành phố Hà Nội và các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đã trở thành điểm nhấn trên địa bàn thành phố. 

Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa Xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động về liên kết vùng, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giúp người dân Thủ đô tiếp cận nhiều sản phẩm các vùng miền, có chất lượng.

Đơn cử, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đến các công ty du lịch trên địa bàn.

Qua triển khai, ngành du lịch Thủ đô đã đạt được kết quả tích cực, số lượng khách nội địa tăng hơn 20% so với năm trước; khách quốc tế tăng hơn 7 lần. Con số này tiếp tục khẳng định việc triển khai các chương trình, các nội dung của CVĐ đã đạt kết quả như mong muốn. 

Từ nay đến cuối năm 2023, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung triển khai đầy đủ các nội dung của cuộc vận động; đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo ra sự khác biệt trong công tác du lịch. 

Tại quận Hai Bà Trưng, đại diện Ủy ban MTTQ của quận cho biết, Hai Bà Trưng là quận nội thành, không có sản phẩm truyền thống nhưng dân cư đông đúc, nhiều chợ, nhiều trung tâm thương mại. 

Vì vậy, lượng tiêu dùng hàng hóa của quận đứng đầu trong khối quận, huyện trên toàn thành phố. Với đặc thù như vậy, nên Ban Chỉ đạo CVĐ đã thực hiện nhiều mô hình dễ hoạt động để tham gia kích cầu tiêu dùng; cũng như định hướng cho người dân tiêu dùng và sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2023, Mặt trận Ttổ quốc quận và BCĐ quận đã tham mưu cho cấp ủy; tham mưu cho BCĐ kiện toàn kế hoạch hoạt động trong cả năm.

Hình thức ngày càng có sự điều chỉnh hiệu quả

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Hà Nội đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai cuộc vận động như về nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức thực hiện CVĐ ở một số đơn vị chưa thật sự phong phú, chưa có hoạt động mới cũng như việc chuyển đổi số trong thực hiện CVĐ chưa rõ nét. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm rõ nét đến CVĐ.

Đối với việc triển khai Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, năm 2023, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, đây là năm thứ 14 triển khai.

Qua thực hiện cho thấy quy mô, phạm vi, nội dung, hình thức ngày càng có sự điều chỉnh hiệu quả, thiết thực hơn để tôn vinh hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích. 

Năm nay, Chương trình tiếp tục có sự điều chỉnh về quy chế bình chọn. Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Lan Hương yêu cầu các đơn vị tiếp tục quan tâm, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình nếu đáp ứng được yêu cầu thì cố gắng tham gia để nâng tầm Chương trình bình chọn hàng Việt. 

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn CVĐ, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông về CVĐ các cấp trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền các sản phẩm chất lượng cao; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình và quan tâm nhiều hơn đến công tác thi đua khen thưởng. 

Bên cạnh đó, từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động rà soát kế hoạch tuyên truyền; đồng thời, đưa ra các giải pháp thực hiện khi triển khai CVĐ. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo CVĐ để triển khai một cách sâu rộng…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đã báo cáo tiến độ triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023 và thông báo những nội dung được điều chỉnh trong Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023.  

Cụ thể, đến thời điểm này, Ban tổ chức đã tiếp nhận gần 100 hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục tổng hợp, cập nhật, công bố danh sách sản phẩm của các doanh nghiệp đăng ký tham gia bình chọn.

Ban tổ chức cũng tập trung vào các sản phẩm làng nghề có thương hiệu tốt để hỗ trợ sản phẩm... đứng vững trên thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.