Dấu ấn cải cách quy định pháp luật
Phải nói rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện quy định, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng, xứng tầm đột phá chiến lược với nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm. Chính phủ đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 Luật, 29 Nghị quyết và cho ý kiến 18 dự án Luật. Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến với 47 nội dung, tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chính phủ ban hành 86 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định, Chỉ thị, văn bản hướng dẫn. Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, đã ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, có 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, chất lượng được nâng lên. Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia; nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh/thành phố được công bố.
Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Khu vực nông nghiệp là “điểm sáng” và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Công tác hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách... đã góp phần tạo nên thành tích ấn tượng về kinh tế, xã hội.
Chúng ta bước vào năm 2024 với tinh thần: "Tất cả vì hạnh phúc ấm no của Nhân dân, vì sự phát triển hùng cường của đất nước". Để thực hiện được điều này, phải kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là những lĩnh vực mới nổi; đồng thời, tiếp tục cải cách TTHC.
Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai công tác CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Đó là một trong những hành lang cần thiết bảo đảm cho phát triển.