1. Trang chủ /
  2. Dấu ấn vị Bộ trưởng qua gần 8 năm “dẫn dắt” ngành Tư pháp

Dấu ấn vị Bộ trưởng qua gần 8 năm “dẫn dắt” ngành Tư pháp

thứ bảy, 10/2/2024 09:38 GMT+07
Gần 8 năm trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long luôn là vị Bộ trưởng của hành động, nắm chắc lý luận, sâu sát thực tiễn, truyền lửa đam mê tới mỗi công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Quyết tâm cao trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế

Hơn 30 năm gắn bó với Bộ, ngành Tư pháp, thêm 02 năm luân chuyển làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tại địa phương, ông am hiểu công việc, am hiểu con người, am hiểu những đóng góp rất thầm lặng của ngành Tư pháp trong sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, những quyết sách của ông trong suốt thời gian làm người đứng đầu ngành Tư pháp đều xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, để công tác Tư pháp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.

Trở lại ngành Tư pháp vào tháng 9 năm 2015 sau thời gian luân chuyển, ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ Bộ trưởng đầu tiên, Bộ trưởng Lê Thành Long đã nhất quán với phương châm hành động thực chất, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong công việc, ông luôn xác định rõ thứ tự ưu tiên, những khâu đột phá để tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả. Cho đến nay, phương châm đó vẫn được thực hiện xuyên suốt trong ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở. Kết quả thực hiện công tác tư pháp hàng năm cho thấy, đó là phương châm hữu hiệu trong bối cảnh công việc ngày càng nhiều và thách thức, trong khi nguồn lực của ngành còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu công việc. Ngay cả khi đất nước trải qua 02 năm đại dịch Covid - 19, nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, chưa có tiền lệ, thì toàn ngành Tư pháp vẫn chủ động, hiệu quả trong xử lý các tình huống. Còn nói chung, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ, ngành Tư pháp luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm cả nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ được giao thêm.

Cũng từ những ngày đầu, thử thách đối với người đứng đầu ngành Tư pháp là câu trả lời cho “bài toán khó” mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao khi ngành Tư pháp có người đứng đầu mới. Đó là yêu cầu tạo chuyển biến, thúc đẩy công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hàng loạt vấn đề đặt ra cần xử lý như tình trạng đưa vào, rút ra các dự án luật, tình trạng văn bản quy phạm pháp luật ban hành có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi, gây khó khăn trong áp dụng, tuân thủ pháp luật, xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh đối với những việc còn tồn đọng để khơi thông nguồn lực cho phát triển. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Bộ trưởng đã chỉ đạo toàn ngành tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này. Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ dành nhiều thời gian để trực tiếp nghiên cứu, tham mưu, cụ thể hóa những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước thành pháp luật; toàn ngành đã tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề phát sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Luôn đề cao việc phòng, chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản, thì cùng với việc tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản có liên quan quy định về nội dung này, Bộ trưởng Lê Thành Long nhiều lần nhắc nhở cán bộ trong ngành “giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, sắc bén về chuyên môn”. Đồng lòng với quyết tâm của người đứng đầu trong xây dựng thể chế, những năm qua Bộ, ngành Tư pháp đã làm tốt chức năng “gác cửa về mặt pháp lý” cho Chính phủ, cho địa phương, kiên quyết với những đề xuất chính sách dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực thi. Công tác xây dựng thể chế nói chung của Bộ, ngành Tư pháp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao. Các chính sách được ban hành bảo đảm tính khả thi hơn; nhận thức của Lãnh đạo nhiều Bộ, ngành về công tác hoàn thiện thể chế được nâng lên, từ đó có sự chỉ đạo sát sao hơn.

Luôn phải chủ động trong công việc

Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Tỉnh ủy Bình Thuận, tháng 5/2023 (Nguồn ảnh: binhthuan.gov.vn).

Một chủ trương khác của người đứng đầu ngành Tư pháp là “hướng về cơ sở”. Bộ trưởng luôn chú trọng lắng nghe địa phương, mục sở thị những công việc của họ, cùng làm việc với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để có những căn chỉnh kịp thời trong chỉ đạo, điều hành; tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho Tư pháp địa phương. Cùng với ông, những năm qua lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng về địa phương thường xuyên hơn, qua đó, thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Bộ, ngành và địa phương; phát huy được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương đối với công tác Tư pháp tại cơ sở.

Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Hậu Giang về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu tháng 5/2023.

Một điều Bộ trưởng Lê Thành Long cũng luôn yêu cầu toàn ngành thực hiện là phải chủ động trong công tác, và cán bộ lãnh đạo, quản lý thì phải có định hướng và kết luận rõ ràng trong xử lý công việc. Vì thế, nhiều năm trở lại đây, Bộ, ngành Tư pháp đã ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể từ rất sớm; làm cơ sở cho tư pháp địa phương, tổ chức pháp chế tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao phù hợp với điều kiện thực tiễn của Bộ, ngành, địa phương mình. Cùng với đó, với phương châm “kế hoạch 1 thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20”, Bộ trưởng và các Lãnh đạo Bộ luôn sâu sát, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để các chương trình, kế hoạch đã ban hành đi vào cuộc sống, tạo ra những sản phẩm, giá trị cụ thể.

Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cuba Oscar Manuel Silvera Martínez tháng 6/2023

Tinh thần chủ động còn được Bộ trưởng Lê Thành Long đặc biệt lưu ý khi làm việc với các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) địa phương. Bộ trưởng cho rằng, đây là lĩnh vực khó, nhạy cảm, phức tạp nhưng nếu làm tốt “sẽ góp phần khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, củng cố niềm tin của người dân vào tính tôn nghiêm của pháp luật. Vì thế, công tác THADS những năm qua luôn nhận được nhiều sự quan tâm chỉ đạo của cá nhân Bộ trưởng cũng như lãnh đạo Bộ Tư pháp. Bằng nhiều giải pháp từ xây dựng thể chế, kiện toàn bộ máy, tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở....

Bộ trưởng cũng luôn yêu cầu các cơ quan THADS chủ động vào cuộc với những vụ án lớn. Năm 2023 là năm rất nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử, làm gia tăng khối lượng lớn công việc cho công tác THADS. Do đó, các cơ quan THADS cần chủ động vào cuộc ngay từ đầu trong khuôn khổ pháp luật cho phép để tránh tạo áp lực, gánh nặng về sau. Vì vậy, trong năm 2023, công tác này là một trong những điểm sáng của toàn ngành Tư pháp. Kết quả thi hành án cao nhất từ trước đến nay với gần 600 ngàn việc thi hành xong, thu số tiền gần 90 ngàn tỷ đồng. Tính từ đầu nhiệm kỳ, con số này là 1.609.462 việc, với trên 211.073 tỷ đồng; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, phần việc được coi là khó khăn nhất cũng đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.

Không chỉ ở Trung ương, Tư pháp địa phương, tổ chức pháp chế cũng đã chủ động hơn trong công việc, trong công tác tham mưu, lập và thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, từ đó, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.

Mong mỗi cán bộ tư pháp tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê với nghề

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (người thứ 2 từ trái sang) và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, đơn vị số 2 - tặng quà cho gia đình chính sách trên địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiêm Giang (Ảnh: Khánh Thùy).

Nói về thành công khi nhìn lại những năm qua, với vai trò người đứng đầu, người truyền cảm hứng đến toàn ngành, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng yếu tố con người là nhân tố quyết định làm nên thương hiệu, giá trị của Bộ. Với đặc thù của ngành Tư pháp, chỉ có đội ngũ cán bộ trí tuệ, tận tâm và bản lĩnh mới đáp ứng yêu cầu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

“Trí tuệ, trách nhiệm và bản lĩnh” đó là những mong muốn, sự trân trọng và tình cảm mà Bộ trưởng dành cho những cán bộ trong ngành. Ghi nhận và cảm ơn khi mà mỗi năm trôi qua, hơn nửa nhiệm kỳ trôi qua, kiểm đếm lại mọi hạng mục công việc, ngành Tư pháp đều hoàn thành xuất sắc, “trong đó có nhiều việc khó và áp lực rất lớn về tiến độ, chất lượng… Những người làm Tư pháp dường như chưa bao giờ được có cảm giác dừng lại và thỏa mãn, bởi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước luôn cần, rất cần những công việc mà ngành phải tham mưu với những yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao, thời gian ngày càng gấp”. Bộ trưởng nói và cười vui rằng, đã công tác trong Bộ, ngành Tư pháp thì phải quen với áp lực thường xuyên, liên tục nhưng áp lực đó nhìn ở góc độ khác là động lực để trưởng thành hơn mỗi ngày.

Thật vậy, vị thế, vai trò và uy tín của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng tăng lên khi nhiều người ghi nhận, đánh giá cao kết quả công việc có sự tham gia của Bộ, ngành Tư pháp. Những lời đó không chỉ là động viên mà là sự cảm nhận khách quan đối với những cố gắng, nỗ lực bền bỉ thể hiện qua những sản phẩm cụ thể mà Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được. Và trong từng sản phẩm cụ thể đó đều có dấu ấn, sự định hướng, chỉ đạo và cả truyền lửa của người “thuyền trưởng” ngành Tư pháp.

Bộ trưởng Long tâm sự: “Công việc vất vả, dù chưa có cơ chế ưu đãi đặc thù nhưng trong phạm vi có thể, Bộ, ngành luôn tạo điều kiện cho anh chị em phát huy năng lực, sở trường của mình, để gắn bó và yên tâm với công việc”.

Nhấn mạnh 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhưng cũng là năm được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức với cả nước nói chung, Bộ ngành Tư pháp nói riêng, Bộ trưởng cho biết, toàn ngành Tư pháp sẽ ưu tiên hoàn thành tốt hơn 30 nhóm nhiệm vụ trên các lĩnh vực trọng yếu như: xây dựng pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính; phổ biến pháp luật; công tác thi hành án dân sự; hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế, công tác đào tạo bồi dưỡng và xây dựng ngành; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, công nghệ thông tin, chuyển đổi số... Ngoài các công việc mang tính thường xuyên và truyền thống, Bộ, ngành còn tập trung giải quyết các nhiệm vụ được giao thêm, trên tinh thần đề cao trách nhiệm và chất lượng công việc. Để hoàn thành các công việc đó, Bộ trưởng mong muốn mỗi cán bộ tư pháp tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê, sự tâm huyết với nghề, tiếp tục cống hiến...

Khi một mùa Xuân mới đang đến rất gần, những cán bộ làm công tác Tư pháp luôn tin tưởng rằng, với sự dẫn dắt của người thuyền trưởng vững vàng, hết lòng tận tụy vì công việc, theo sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành sẽ đem hết khả năng, trí tuệ của mình cùng người thuyền trưởng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra trong năm mới và từ nay đến hết nhiệm kỳ, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của Bộ, ngành trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

So với năm 2022, kết quả công tác Tư pháp 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng, trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được đánh giá cao.
Ngoài thể chế, công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực TGPL trong điều tra hình sự trên toàn quốc, số vụ việc TGPL tố tụng cao nhất từ trước đến nay. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấn ấn quan trọng. Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực phục vụ trực tiếp cho công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp…
Công tác Tư pháp năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay được đánh giá tiếp tục đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước và của từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.