Diễn biến vụ người “lướt cọc” nhà đất tại Đà Nẵng bị truy tố: Nhiều tình tiết chưa hợp lý trong bản cáo trạng
Cáo trạng của VKS Đà Nẵng có nội dung gì?
Theo cáo trạng, căn nhà 27 Lê Vĩnh Huy (Hòa Cường Bắc, Hải Châu) của cụ Nguyễn Tấn Lãng và Lê Thị Vân Lan đứng tên sổ đỏ. Cụ Lãng lập di chúc cho ông Nguyễn Tấn Vĩnh, còn cụ Lan chết không để lại di chúc, các con cụ Lan thống nhất để lại cho ông Nguyễn Hoài Nam.
Khoảng tháng 8/2019, ông Nam nhờ bà Châu làm thủ tục thừa kế và liên hệ ông Vĩnh mua lại 1/2 căn nhà còn lại cho ông Nam. Tháng 8/2019, ông Nam giao giấy tờ cho bà Châu làm thủ tục.
Bà Châu khi nhận giấy tờ đã nhờ người rao bán căn nhà. Ngày 6/9/2019, thông qua môi giới, bà Cao Thị Thúy Luận (SN 1982, ngụ Thanh Khê) mua nhà. Bà Châu nói đã mua lại nhà từ ông Nam, ông Vĩnh, thỏa thuận bán cho bà Luận giá 7,2 tỷ; đặt cọc 500 triệu; hẹn 2/10/2019 công chứng chuyển nhượng. Giấy đặt cọc ngày 6/9/2019 còn có nội dung: “Bán đến công chứng; sau 10 ngày công chứng bên B (bà Luận) giữ lại 500 triệu đồng. Ngôi nhà này chị Châu mua lại”.
Ngày 8/9/2019, ông Nam nhờ bà Châu vào Bình Định gặp ông Vĩnh hỏi mua giúp lại phần thừa kế của ông Vĩnh.
Ngày 9/9/2019, bà Châu đi Bình Định gặp ông Vĩnh hỏi mua 1/2 căn nhà nhưng ông Vĩnh không bán vì “chờ mãn tang 3 năm mới tính”. Tuy nhiên, ông Vĩnh vẫn theo bà Châu đến UBND xã làm xác nhận quan hệ cha con, trích lục khai tử…
Cáo trạng quy kết bà Châu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, dù ông Vĩnh không nhờ làm thủ tục thừa kế và không viết đề nghị mở di sản thừa kế nhưng bà Châu vẫn đưa hồ sơ cho văn phòng công chứng (VPCC) lập văn bản khai nhận di sản thừa kế. VPCC soạn thảo niêm yết công khai người thừa kế và đưa cho bà Châu đi niêm yết; bà Châu chưa đi.
Ngày 30/9, bà Châu viết giấy cam kết với bà Luận: “Do hồ sơ thừa kế phát sinh tên người thừa kế, nên tôi hẹn lại thêm 20 ngày xong thời gian niêm yết đi công chứng lô đất tại 27 Lê Vĩnh Huy”.
Ngày 3/10/2019, bà Châu đến UBND xã Bình Thành niêm yết, không có công dân nào khiếu tố.
Ngày 17/10/2019, ông Nam, bà Châu đến VPCC ký thỏa thuận phân chia di sản thừa kế 1/2 căn nhà cho ông Nam, ký hợp đồng ủy quyền cho bà Châu đi nhận sổ đỏ, đóng phí thay ông Nam.
Cáo trạng cho rằng: “Ngày 19/9/2019, bà Châu nói dối ông Vĩnh đồng ý bán 1/2 căn nhà cho ông Nam. Bà Châu nói đứng ra vay tiền ngân hàng nên ông Nam phải viết giấy cọc 3 tỷ. Ông Nam viết giấy nhận cọc 3 tỷ, bán nhà cho bà Châu giá 6,6 tỷ”.
Ngày 21/10/2019, bà Châu nhận sổ đỏ cập nhật tên ông Nam. Ngày 22/10/2019, ông Nam ủy quyền cho bà Châu “cùng đồng sở hữu, sử dụng nhà đất, thực hiện các thủ tục đăng ký biến động; sau khi hoàn thành xong thủ tục bà Châu được quyền chuyển nhượng, nhận cọc, cho thuê phần quyền sử dụng, sở hữu của ông Nam”.
Ngày 24/10/2019, bà Châu đưa giấy đặt cọc 3 tỷ với ông Nam cho bà Luận xem và yêu cầu đặt cọc thêm 2 tỷ; nhưng “do bà Luận cần bảo đảm” nên hai bên làm hợp đồng vay.
Kết quả giám định cho thấy chữ ký, chữ viết của ông Nam trên giấy nhận tiền ngày 19/10/2019 là do ông Nam viết, ký.
Cáo trạng cho rằng: “Đến ngày 24/12/2019, bà Luận không muốn mua nhà nữa nên đòi lại tiền cọc. Bà Châu viết giấy cam kết hứa trả. Đến ngày 11/3/2020, bà Châu tiếp tục làm cam kết hứa trả vào 30/3/2020 nhưng đến nay chưa trả”.
Bà Châu: “Trong mọi thời điểm, tôi luôn sẵn sàng trả lại toàn bộ số tiền cọc bà Luận đã đặt cho tôi, nhưng với điều kiện phải khẳng định đó là việc dân sự, chứ không phải là hành vi lừa đảo”.
Chỉ cần “giấy cọc” mà vay được tiền tỷ ngân hàng?
Bản cáo trạng trên bị bà Châu cho rằng có nhiều tình tiết chưa đúng với thực tế.
Bà Châu nói: “Cáo buộc tôi đứng ra vay tiền ngân hàng giúp ông Nam là điều hết sức vô lý. Thứ nhất, thời điểm đó, sổ đỏ không đứng tên ông Nam. Sau đó được cập nhật biến động người thừa kế, đứng tên ông Nam, chứ không phải tên tôi. Thứ hai, giấy cọc viết tay, ai cũng biết sẽ không được ngân hàng chấp nhận là hợp lệ để vay tiền. Thứ ba, trong ủy quyền ngày 22/10/2019, tôi không được ủy quyền để “vay, thế chấp”. Điều đó cho thấy, không thể có chuyện ông Nam và tôi làm giấy trên để “nhờ tôi đứng ra vay ngân hàng””.
“Ông Nam và cơ quan tố tụng phải chứng minh giấy nhận cọc 3 tỷ là để vay tiền. Nếu không chứng minh được thì đó là mua bán, ông Nam đã nhận cọc 3 tỷ của tôi. Từ đó, tôi mới dám nhận cọc của bà Luận 2,5 tỷ. Bản chất sự việc là lướt cọc”, bà Châu nói.
Về tình tiết cáo trạng nêu “ông Vĩnh nói không bán nhà, không yêu cầu khai nhận di sản thừa kế”, bà Châu cho hay: “Ông Vĩnh nói bán nhà cho ông Nam khi mãn tang 1 năm chứ không nói 3 năm. Tôi có ghi âm điều này. Ông Vĩnh không yêu cầu khai di sản thừa kế thì giao hồ sơ cho tôi làm gì? Phải khai di sản thừa kế mới cấp đổi được sổ đỏ”.
“Theo KLĐT và cáo trạng, tôi cho rằng tất cả những lời bà Luận, ông Nam, ông Vĩnh khai thì cơ quan tố tụng đều tin. Còn những lời khai và chứng cứ tôi đưa ra thì cơ quan tố tụng lại không tin. Chứng cứ xác thực, giấy tờ mà cơ quan tố tụng không tin, chỉ tin lời khai của những người đang có mâu thuẫn với tôi. Tại sao cơ quan tố tụng không cho tôi đối chứng, đối chất với những người này, lại lấy những lời khai của họ dùng làm căn cứ buộc tội tôi?”.
Vẫn lời bà Châu: “Về phần bà Luận, cáo trạng cho rằng tôi “nói dối”, thậm chí tình tiết tăng nặng là “cố ý thực hiện tội phạm đến cùng; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”. Nhưng bản thân cáo trạng có sự mâu thuẫn. Khi tôi đưa sổ đỏ và hồ sơ của ông Nam ngày 6/9/2019, bà Luận biết rõ tên trên sổ đỏ không phải tên của tôi. Vì bà Luận biết rõ bản chất sự việc là tôi đặt cọc cho ông Nam, sau đó bán lại cho bà Luận, nên mới đòi tôi làm hợp đồng công chứng vay tiền số tiền 2 tỷ đặt cọc thêm. Tôi chưa từng cung cấp thông tin gian dối cho bà Luận”.
Bà Châu cho hay: “Trong mọi thời điểm, tôi luôn sẵn sàng trả lại toàn bộ số tiền cọc bà Luận đã đặt cho tôi, nhưng với điều kiện phải khẳng định đó là việc dân sự, chứ không phải là hành vi lừa đảo”.