1. Trang chủ /
  2. Doanh nghiệp cần tránh điều gì để dễ tiếp cận tín dụng

Doanh nghiệp cần tránh điều gì để dễ tiếp cận tín dụng

thứ sáu, 17/11/2023 23:24 GMT+07
Hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" do Báo Dân trí tổ chức diễn ra sáng nay (17/11). Các chuyên gia, đại diện ngân hàng cùng thảo luận về các giải pháp gỡ khó tín dụng cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia, doanh nghiệp, ngân hàng thảo luận tại hội thảo. Ảnh: NH

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/10, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của Ngân hàng Nhà nước lên đến 14-15%. 

Đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng tín dụng

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM - chia sẻ về tình hình tăng trưởng tín dụng thời gian qua, những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Ở góc độ ngân hàng, tăng trưởng tín dụng gồm 2 yếu tố là chính sách tác động và môi trường kinh tế xã hội.

Hiện nay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo 2 xu hướng tích cực: Đối với doanh nghiệp còn khó khăn, thì việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi hoạt động, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng; đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.

Quá trình này, theo ông Lệnh, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế: Lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ông Lệnh cho biết ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. “Thông qua đó sẽ giúp kích thích tăng trưởng tín dụng”, ông Lệnh nói.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: NĐ 

Cơ hội mới nào cho doanh nghiệp?

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nêu 3 nhóm từ khóa về cơ hội mới cho doanh nghiệp hiện nay.

Thứ nhất là phòng thủ. Các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro, có kịch bản phát triển kinh doanh bền vững. Tình hình kinh tế bất ổn, doanh nghiệp phải có phương án tác chiến để phản ứng kịp thời, đồng thời học hỏi các công cụ quản trị rủi ro.

Thứ 2 là tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều bất ổn, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng. 

Thứ 3 là bắt nhịp xu thế.

Ông Thành nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chờ quá 3 năm mà phải cố gắng nắm bắt cơ hội trong vòng 3 năm tới". Trong đó, các ngành được quan tâm là công nghệ cao, giáo dục, y dược, chất bán dẫn, hàng không… Chuyên gia dự báo sẽ có rất nhiều đại gia lớn của thế giới đến TPHCM trong thời gian tới. “Đây là những cơ hội chưa từng có mà địa phương phải nắm bắt”, ông Thành cho hay. 

 Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành. Ảnh: NĐ

Để không rơi vào khó khăn, doanh nghiệp cần tránh điều gì?

Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết, không phải thời điểm này mà từ đầu năm Agribank đã thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đến tháng 10 vừa rồi, ngân hàng 7 lần giảm lãi suất cho vay. 

Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng của Covid-19 và gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn theo. Kết quả, đến 31/10/2023, Agribank đã cơ cấu nợ hơn 34.000 tỷ đồng.

Đại diện Agribank nói luôn xác định rằng ngân hàng - khách hàng luôn đồng hành với nhau. “Ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không để đó”, ông Bách nhấn mạnh. Ví dụ các doanh nghiệp không bán được hàng có thể không nhận đầu vào nhưng với ngân hàng thương mại, thì ngân hàng nhận tiền và phải giải ngân chứ không thể để đó. 

Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp HDBank bật mí, để không rơi vào khó khăn, doanh nghiệp nên tránh 3 điều. Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn. Tiếp đó là không nên để nợ quá hạn. “Thứ ba là vòng quay vốn không dài”, ông Phương khẳng định.