Doanh nghiệp loay hoay tìm đơn hàng mới
Lý do được nhiều doanh nghiệp đưa ra là do lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, nhiều thị trường quan trọng của xuất khẩu Việt Nam rơi vào suy thoái, trong đó có Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, người tiêu dùng “thắt lại hầu bao”, hàng hóa trong kho tồn đọng, khó nhập thêm lượng hàng mới. Điều đó đã tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, các đơn hàng có xu hướng sụt giảm tại thị trường Mỹ và EU; số lượng đặt hàng của nhà mua hàng bị biến động. Trong dịch Covid-19, các nhà mua hàng đặt nhiều để dự phòng khi đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn có hàng. Nên thời hậu Covid-19, lượng hàng tồn kho cao, buộc các nhà mua hàng phải tái cấu trúc lại. Việc này mất từ 6 tháng đến 1 năm.
Còn theo ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, thị trường châu Âu đang bị lạm phát cao, đời sống người dân khó khăn, trong khi mặt hàng điều ở phân khúc cao nên lượng hàng xuất khẩu rất khó. Thị trường giảm đã ảnh hưởng đến ngành điều, hiện một số nhà máy chế biến điều quy mô nhỏ và trung đã phải đóng cửa vì không có đầu ra. Thậm chí, vị này cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh hơn, nên ngành điều dự đoán kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD như kế hoạch đăng ký từ đầu năm sẽ khó đạt được.
Vậy, làm gì để “cứu vãn” tình hình?
Theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), doanh nghiệp cần khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để hưởng ưu đãi về thuế quan, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt, hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử để tìm kiếm khách hàng đang trở nên hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc tìm kiếm khách hàng, thị trường mới cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và sản phẩm cũng như cập nhật thông tin về thị trường thường xuyên cho doanh nghiệp. Cùng đó, doanh nghiệp cũng phải tự “nâng cấp”, để chất lượng sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của hầu hết thị trường quốc tế, giúp việc chuyển đổi thị trường xuất khẩu nhanh chóng và thuận lợi hơn.