Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ hội rất lớn để Hà Nội phát triển
Trong 9 tháng đầu năm 2023, GRDP của thành phố tăng 6,08%. Nền kinh tế của Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là một trong những trung tâm lớn và đầu tàu kinh tế của cả nước và vùng, đứng thứ 2 về dân số và quy mô GRDP, đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thu hút FDI của Hà Nội là “điểm sáng”, với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 9 tháng đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI của cả nước. Lãnh đạo TP đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung triển khai xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng nhiều công trình, dự án quan trọng khác, trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án mở rộng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2...
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, trong đó xác định “đề xuất Quốc hội (QH) sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững” là nhiệm vụ quan trọng của nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Với sự chuẩn bị của Chính phủ, TP Hà Nội và các Bộ, đặc biệt là Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, ngày 20/9 vừa qua, dự án Luật đã lần đầu được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH tại Phiên họp thứ 26. Dự thảo Luật được bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012), với khoảng 100 các nội dung khác nhau trong 9 nhóm chính sách khác nhau... Tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, UBTVQH đề nghị nghiên cứu, làm rõ, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết khác đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia; đồng thời là đô thị đặc biệt; hoàn thiện và có cơ chế bảo đảm thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng công nghiệp văn hóa, phát triển làng nghề, làng có nghề.
Dự kiến, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 khai mạc trong tháng 10 này và được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Với việc quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ không chỉ Thủ đô mà còn vùng Thủ đô, việc xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật được đánh giá là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.
Trong bài viết “Tạo sức bật mới cho Thủ đô Hà Nội phát triển” nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội. “Giao quyền cho Hà Nội cũng chính là tháo gỡ các “nút thắt” cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên”, Bí thư Hà Nội bày tỏ.