Dự án sân bay Long Thành: Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình
Phân tích để có thêm bài học kinh nghiệm
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng, triển khai công tác giải ngân các dự án.
Theo đại biểu, việc xem xét điều chỉnh này đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 là phương án này là hợp lý. Qua nghiên cứu hồ sơ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu một số băn khoăn. Cụ thể, thực tế tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; Chính phủ, tỉnh Đồng Nai cần phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm và sau này khi triển khai những dự án tương tự sẽ có giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu chỉ rõ, Nghị quyết số 53/2017/QH14 quy định “Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021”. Tại Tờ trình, Chính phủ kiến nghị QH kéo dài thời gian thực hiện Dự án “đến hết năm 2024”, tức là dự kiến sẽ chậm tới 3 năm.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa băn khoăn, việc điều chỉnh thời gian dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành dự kiến xong vào năm 2025. Điều này phải có sự cam kết rõ ràng từ phía Chính phủ.
"Câu hỏi đặt ra là toàn bộ dự án có bị chậm không, bị chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không? Nếu chậm giai đoạn đầu thì phải tổng lực đẩy nhanh giai đoạn cuối, do đó cần lưu ý khi đẩy nhanh tiến độ phải đảm bảo chất lượng công trình", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng đề nghị cần có những đánh giá sát thực hơn về nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm nhiều so với tiến độ, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.
Dự án chậm do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai có nhiều thay đổi
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giải ngân số vốn như Chính phủ trình chưa thực sự phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của QH về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 chuẩn bị trình QH thông qua tại kỳ họp này, trên cơ sở cân đối nguồn lực trong dự toán.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho biết, qua theo dõi nội dung thảo luận, đa phần các ý kiến đều thống nhất cần bố trí đủ vốn để dự án này hoàn thành trong năm 2024, vấn đề khác nhau chỉ là yếu tố kỹ thuật. Dự toán ngân sách năm 2021 đã được QH bấm nút quyết toán. Dự toán từ năm 2021 trở về trước đã bị hủy, QH chỉ có thể kéo dài nguồn vốn của năm 2022 chưa quyết toán trở về sau.
Đại biểu đề nghị bổ sung bố trí vào dự toán ngân sách năm 2024 để đảm bảo đủ vốn cho dự án này, đồng thời tăng bội chi tương ứng để đảm bảo giải quyết đúng quy định, tạo thuận lợi cho dự án hoàn thành.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm trong việc tăng, giảm tổng mức đầu tư, diện tích sử dụng đất kéo dài thời gian thực hiện dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các vướng mắc đối với dự án trọng điểm này.
Báo cáo, làm rõ các vấn đề QH quan tâm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ngoài các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi.
Thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…
"Qua báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, có thể thấy trong quá trình triển khai thực hiện kể từ khi QH có quyết định phê duyệt chủ trương, các bước phê duyệt dự án có nhiều vướng mắc", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng GTVT nêu rõ, sau góp ý của các đại biểu QH, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Về giải pháp triển khai xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được QH cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, đôn đốc kịp thời và có các biện pháp tăng cường.
Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của QH để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.
Theo tờ trình của Chính phủ, để có cơ sở triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Dự án, Chính phủ kiến nghị QH xem xét, thông qua kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024. Đồng thời, kéo dài thời gian giải ngân đối với 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến hết ngày 31/12/2024 để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành Dự án.