1. Trang chủ /
  2. Du lịch bền vững gắn với bảo tồn động vật hoang dã

Du lịch bền vững gắn với bảo tồn động vật hoang dã

thứ bảy, 27/8/2022 10:14 GMT+07
(PLM) - Đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, ngành Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch, các mô hình du lịch bền vững, có trách nhiệm chính là xu hướng tất yếu.

Du lịch giáo dục về bảo tồn động vật hoang dã

Từ năm 2019, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình – nơi cứu hộ và chăm sóc các cá thể gấu từ các trại nuôi tư nhân tự nguyện chuyển giao hoặc bị tịch thu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép – bắt đầu thử nghiệm mô hình du lịch bền vững kết hợp giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn.

Trong các chuyến tham quan tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, du khách có thể chứng kiến sự phục hồi của những cá thể từng bị thương tổn bởi nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, đời sống của các cá thể tại khu bán tự nhiên và công tác chăm sóc gấu tại đây. Kết hợp với tham gia các hoạt động triển lãm, workshop, cuộc thi viết,… du khách có thể tự tìm hiểu, thảo luận và xây dựng những sản phẩm truyền thông để hiểu rõ hơn về hiện trạng bảo tồn gấu ở nước ta, cũng như chung tay góp sức vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ gấu nói riêng, bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD nói chung.

Chị Lưu Hoàng Lê - cán bộ giáo dục truyền thông của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình cho biết, các chương giáo dục kết hợp với du lịch tập trung chủ yếu là các đối tượng du khách trẻ, từ độ tuổi mầm non cho đến sinh viên đại học, sinh viên đã ra trường, bởi thế hệ trẻ không chỉ là tương lai của đất nước mà còn đóng góp những tiếng nói mạnh mẽ và hành động thiết thực trong công tác bảo tồn ĐVHD ngày nay.

Việc xây dựng chương trình giáo dục nâng cao nhận thức kết hợp với du lịch cho từng lứa tuổi sẽ khác nhau ở mức độ thông tin và trải nghiệm, chị Lê giải thích rõ hơn. Đơn cử, bậc mầm non, tiểu học thường được tiếp cận với những thông tin kiến thức cơ bản, chủ yếu nhằm khơi gợi tình yêu thương với thiên nhiên, ĐVHD. Các bạn học sinh cấp 2 và cấp 3 đã có nhiều hiểu biết hơn, do đó hoạt động trải nghiệm sẽ thiên về việc để các bạn tự tìm hiểu thông tin, tham gia thiết kế những sản phẩm truyền thông cá nhân/nhóm…

“Các bạn học sinh cấp 1, cấp 2 thường đến đây cùng với bố mẹ hoặc giáo viên. Phản ứng đầu tiên khi nhìn thấy những chú gấu là các bạn rất thích thú, tuy nhiên sau khi biết được câu chuyện về quá khứ của những chú gấu trước khi được cứu hộ đã bị nuôi nhốt lấy mật như thế nào, các bạn đều rất xúc động. Có bạn khóc, có bạn hỏi đi hỏi lại nhiều lần rằng “bạn gấu ấy có ổn không”, “con có được gặp lại bạn gấu ấy nữa hay không”,… Sau đó cũng có rất nhiều bạn quay trở lại đây vào năm tiếp theo để thăm các chú gấu”, chị Lê nói.

Các du khách nhí tham quan triển lãm giáo dục về gấu. Ảnh: Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình.


Đối với sinh viên đại học – những người đã có những quyết định và tiếng nói nhất định trong xã hội – trọng tâm của trải nghiệm là gợi mở sáng kiến, tài nguyên tài liệu cho đối tượng này thực hiện những dự án cá nhân có sức ảnh hưởng, lan toả đến cộng đồng. Một ví dụ điển hình là một nhóm sinh viên khi tìm hiểu về các sản phẩm thay thế cho mật gấu đã nảy ra ý tưởng ươm mầm và gieo trồng môt khu vườn cây mật gấu ngay tại Cơ sở. Du khách đến thăm quan đều sẽ đi qua “Vườn mật gấu” này và nhận được thông điệp: Mật gấu đã không còn tác dụng nhiều đến sức khoẻ khi y học hiện tại đã rất phát triển, vì vậy hãy dừng sử dụng mật gấu.

Cần thêm nhiều sáng kiến

Nhiều cuộc khảo sát sau đại dịch đã cho thấy, nhiều du khách có xu hướng tìm kiếm đến những trải nghiệm du lịch bền vững, có trách nhiệm hơn để giảm tác động lên môi trường, hệ sinh thái và cộng đồng bản địa. Ở góc độ ngược lại, trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, ĐVHD, ngành Du lịch cũng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Một minh chứng khác là mới đây, tại buổi tiếp và làm việc với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) về Dự án “Giảm cầu ngà voi thông qua việc tăng cường thực thi pháp luật và thực hành du lịch trách nhiệm”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho hay, trong các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, sẽ đan xen thông điệp về giảm cầu ngà voi, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và ĐVHD.

Theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng, có rất nhiều kênh truyền thông đưa thông tin đại chúng như qua các trang web về bảo vệ động vật, môi trường, qua các trang mạng xã hội, hội nghị, hội thảo chuyên đề,… song phản hồi chứng thực trên thực tế từ khách du lịch, hướng dẫn viên và điểm đến du lịch mới là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ ĐVHD và voi. Tổng cục Du lịch rất hoan nghênh các dự án về bảo tồn ĐVHD nói chung nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững và nâng cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, ĐVHD trong hoạt động du lịch.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 239 ra ngày 27/8/2022)