1. Trang chủ /
  2. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Phải có biện pháp đặc biệt trong kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Phải có biện pháp đặc biệt trong kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng

thứ hai, 15/1/2024 15:57 GMT+07
Một trong 4 nội dung được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 là dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý hoàn thiện với mong muốn có một đạo luật điều chỉnh hiệu quả lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Đại biểu Trịnh Xuân An. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội (QH) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 15 chương, 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ 6). Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật báo cáo QH tại Kỳ họp gồm dự phòng rủi ro; can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; cơ quan quản lý nhà nước; điều khoản thi hành.

Trao đổi với phóng viên về dự thảo Luật, Đại biểu QH Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH cho biết, một trong những bài học lớn để chúng ta xây dựng các chính sách, đặc biệt trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính là vụ án liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị. Vụ SCB không đơn giản là một vụ án hình sự bình thường mà còn tác động đến nhiều vấn đề khác liên quan đến kinh tế - xã hội, vấn đề tâm lý, niềm tin của người dân; đồng thời là bài học kinh nghiệm để xử lý câu chuyện về kiểm soát sớm, xây dựng hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực; phải thiết kế một mô hình giám sát đủ mạnh...

Về vấn đề ngăn ngừa từ sớm, từ xa đối với hoạt động tín dụng, Đại biểu An nhấn mạnh, trong tất cả các vụ việc đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa là khâu quan trọng hơn cả. “Vì sao một cá nhân, một công ty lại có thể chiếm đoạt tới 1 triệu tỷ đồng trong thời gian dài như vậy?”, Đại biểu An nêu vấn đề và cho rằng, nếu làm tốt khâu phòng ngừa, kiểm soát, xử lý được từ sớm, từ xa thì chắc hệ quả sẽ không ghê gớm và cần đặt ra trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Bên cạnh trách nhiệm trong khâu quản lý, theo Đại biểu An, đối với lĩnh vực đặc biệt, nhạy cảm như ngân hàng, phải có những biện pháp vừa mềm dẻo nhưng cũng phải rất chặt chẽ. Do vậy, khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro với các tổ chức tín dụng phải làm thật chặt chẽ, tất nhiên là không can thiệp. Cùng với đó, phải đánh giá xem thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng đã an toàn và chuẩn mực hay chưa.

Ghi nhận trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã làm rất tốt, nhưng ông Trịnh Xuân An cũng đánh giá là đang bị cuốn theo “lối đá” của các tổ chức tín dụng. Trong vụ việc này, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước lại vi phạm pháp luật, bị mua chuộc với hàng triệu USD để “xóa mờ” nhiều sai phạm nghiêm trọng của SCB. “Phải nói rằng, tiêu cực trong thanh, kiểm tra qua việc nhận 5 triệu USD như công bố là hệ lụy dẫn đến hậu quả thảm khốc”, ông An nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông An đề xuất, phải có cơ chế để kiểm soát lẫn nhau. Muốn vậy, chúng ta cần phải có cơ chế đánh giá độc lập, kiểm tra chéo, chứ không để “mất bò mới lo làm chuồng”; phải có một cơ quan kiểm tra, giám sát ngân hàng độc lập để phòng ngừa được từ xa; phải có một hệ thống cảnh báo thật sự khoa học, chuẩn mực; phải thiết kế một mô hình giám sát, kiểm tra đủ mạnh, có thể độc lập hoặc cũng có thể nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

Bàn thêm về giải pháp kiểm soát, ngăn chặn được những vụ việc đáng tiếc tương tự, vị Ủy viên chuyên trách phân tích, phương thức, thủ đoạn của Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan trong vụ án là biến tướng của các cặp sở hữu chéo. Biến tướng của sở hữu chéo đang là cả vấn đề, các cặp sở hữu chéo trong tổ chức tín dụng rất dễ dàng nhận ra, nhưng giải pháp gì để chặt “vòi bạch tuộc” này thì chúng ta đang bị lúng túng. Việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần chỉ là biện pháp rất kỹ thuật và hình thức. Sở hữu chéo và vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng như trường hợp của SCB giống hiện tượng “vô hình, ảo thuật” nên phải có biện pháp đặc biệt trong kiểm tra, giám sát và phải công khai minh bạch nhất có thể...