1. Trang chủ /
  2. Dự thảo thỏa thuận COP28 bỏ qua việc dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Dự thảo thỏa thuận COP28 bỏ qua việc dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

thứ ba, 12/12/2023 08:50 GMT+07
Hôm thứ Hai (11/12), dự thảo về một thỏa thuận khí hậu tại hội nghị COP28 đã đề xuất một loạt biện pháp để cắt giảm phát thải khí nhà kính, nhưng đã bỏ qua việc “loại bỏ” nhiên liệu hóa thạch mà nhiều quốc gia yêu cầu.
Quang cảnh Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) ở Dubai, UAE vào ngày 11 tháng 12 năm 2023.

Dự thảo đã gây ra những tranh cãi vào những phiên họp cuối trong hội nghị về biến đổi khí hậu đã kéo dài hai tuần qua ở Dubai này, khi các quốc gia không thể thống nhất được việc liệu có nên dần hạn chế và cuối cùng dẫn đến việc loại bỏ dầu, khí đốt và than đá trong tương lai không.

8 lựa chọn giảm phát thải khí nhà kính

Một liên minh gồm hơn 100 quốc gia đang thúc đẩy một thỏa thuận hứa hẹn chấm dứt thời đại dầu mỏ - nhưng vấp phải sự phản đối từ các thành viên của nhóm sản xuất dầu OPEC.

Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber đã kêu gọi gần 200 quốc gia tại các cuộc đàm phán tăng cường nỗ lực để hoàn tất một thỏa thuận trước khi hội nghị kết thúc theo lịch trình vào hôm nay (12/12), đồng thời thừa nhận rằng các bên "vẫn có rất nhiều việc phải làm".

Dự thảo mới của thỏa thuận COP28, do Chủ tịch hội nghị COP28 của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất công bố, đã đề xuất nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng không đề cập đến việc "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch.

Thay vào đó, dự thảo liệt kê 8 lựa chọn mà các quốc gia có thể sử dụng để cắt giảm lượng khí thải, bao gồm: "Giảm cả mức tiêu thụ lẫn sản xuất nhiên liệu hóa thạch, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trước hoặc vào khoảng năm 2050".

Các hành động khác được liệt kê bao gồm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, "nhanh chóng giảm dần lượng than" và nhân rộng các công nghệ bao gồm cả công nghệ thu giữ khí thải CO2.

Mặc dù thực tế lượng khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch cho đến nay là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, nhưng các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế kéo dài 30 năm qua chưa bao giờ dẫn đến một thỏa thuận toàn cầu về việc cắt giảm việc sử dụng chúng.

Văn bản đã gây ra sự phản đối từ hàng chục đại biểu đứng gần như im lặng, nắm tay nhau và xếp hàng dọc con đường dài vào một căn phòng nơi các nhà đàm phán tập trung. “Xin hãy cho chúng tôi một văn bản tốt đẹp”, một đại biểu cầu xin khi các nhà đàm phán bước vào.

Những nỗ lực vào phút chót

Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry nói với cuộc họp kéo dài khoảng ba giờ rằng dự thảo thỏa thuận phải được tăng cường. “Về mặt văn bản, chúng tôi không ở đúng vị trí mà chúng tôi mong muốn”, ông Kerry nói. "Nhiều người trong chúng tôi đã kêu gọi thế giới loại bỏ phần lớn nhiên liệu hóa thạch và điều đó bắt đầu bằng việc giảm đáng kể trong thập kỷ này".

Trưởng đoàn đàm phán EU Wopke Hoekstra nói với các phóng viên rằng dự thảo "rõ ràng là không đủ và không đủ để giải quyết vấn đề mà chúng ta đang ở đây để giải quyết". Đại diện từ các quốc đảo Thái Bình Dương Samoa và Quần đảo Marshall, vốn đã phải chịu tác động của nước biển dâng cao, cho biết dự thảo này là một bản án tử hình.

John Silk, người đứng đầu phái đoàn Quần đảo Marshall cho biết: “Chúng tôi sẽ không im lặng đi đến những ngôi mộ đầy nước của mình”. Bộ trưởng Môi trường Samoa Cedric Schuster nói với các phóng viên: “Chúng tôi không thể ký vào một văn bản không có cam kết mạnh mẽ về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”.

Dan Jorgensen, Bộ trưởng Khí hậu Đan Mạch, cho biết ông tin rằng nhiều quốc gia phản đối văn bản hiện hành. “Vì vậy, rõ ràng đây chỉ là điểm khởi đầu và chúng tôi thậm chí còn chưa đạt được kết quả”.

Một tài liệu dự thảo mới dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu ngày thứ Ba, có nghĩa sẽ không còn nhiều thời gian cho những bất đồng tiếp theo trước khi hội nghị kết thúc vào lúc 07:00 thứ Ba giờ GMT. Tuy nhiên, các hội nghị COP hiếm khi kết thúc đúng lịch trình.

Bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch vẫn tạo ra khoảng 80% năng lượng của thế giới và là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.