Đề nghị Đức ủng hộ việc EC sớm gỡ bỏ 'thẻ vàng' đối với thủy sản Việt Nam
Bộ Ngoại giao ngày 4/4 cho biết, triển khai kế hoạch hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đức, ngày 3/4, tại Berlin, Đức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cùng Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam - Đức lần thứ 7 nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác hai nước và các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Tại cuộc họp, hai bên vui mừng nhận thấy sau hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam – Đức đang phát triển hiệu quả và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và lợi ích của hai quốc gia.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, quốc gia có vai trò chủ chốt trong Liên minh Châu Âu (EU); đồng thời bày tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đức đã hỗ trợ trên 10 triệu liều vaccine và nhiều thiết bị y tế quan trọng, góp phần vào thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Quốc Vụ khanh Michaelis đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam thời gian qua và nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác song phương; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu gồm thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân…
Đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong hợp tác kinh tế, trong đó Đức nhiều năm liền duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của của Việt Nam trong EU với mức tăng trưởng thương mại bình quân trên 10%/năm, đạt trên 12 tỷ USD trong năm 2022, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm khai thác hiệu lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại, tạo thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam và Đức tiếp cận thị trường của nhau.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Đức ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với thủy sản Việt Nam, tính tới những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị của EC về IUU.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư song phương, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Bộ Ngoại giao Đức khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Đức có thế mạnh và phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình Quốc hội Đức phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Chính phủ Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như bảo vệ môi trường, năng lượng và đào tạo nghề, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Chia sẻ những đánh giá và đề xuất nhằm tăng cường hợp tác song phương của Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Quốc Vụ khanh Michaelis khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và xu thế dịch chuyển đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ, Chính phủ Đức ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đối tác, trong đó Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về thị trường, nguồn lao động, môi trường đầu tư.
Trên cơ sở hợp tác hiệu quả mà hai bên đã đạt được, Quốc Vụ khanh Michaelis cho biết, Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để triển khai các cam kết của Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP 26 về giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050.
Quốc Vụ khanh Michaelis đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực lao động, đào tạo nghề. Trong bối cảnh Chính phủ Đức hiện đang triển khai nhiều chính sách thu hút lao động tay nghề cao, hai bên có thể mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này.
Hoan nghênh những kết quả tích cực trong hợp tác Việt Nam - Đức trên các diễn đàn khu vực và đa phương, hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ hợp tác như ASEAN, EU và các tổ chức quốc tế, nhất là trong bối cảnh hai nước cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Trong trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, trong đó có an ninh biển ở khu vực và trên thế giới, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Hai bên cũng trao đổi quan điểm về các diễn biến, tình hình gần đây tại các khu vực trên thế giới.
Tại Đối thoại, hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức giai đoạn 2023 - 2025 với những định hướng và hoạt động hợp tác giữa hai nước thời gian tới trên toàn bộ các lĩnh vực gồm chính trị - an ninh, kinh tế, khí hậu - năng lượng, khoa học - công nghệ, văn hóa và giao lưu nhân dân…
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Đức, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã có cuộc trao đổi với Cố vấn Tổng thống Đức Wolfgang Silbermann, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán.