Để tự chủ đại học trở thành cuộc cách mạng thực chất và toàn diện!
Vẫn còn nhiều rào cản, thách thức
Tự chủ đại học hiện nay là xu thế tất yếu đồng thời là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.
Trên thực tế, những năm qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền chủ động của mình và nhờ đó đã năng động hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, hệ thống đại học đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động, cả về lý luận và thực tiễn.
“Có thể nói, một luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống và thúc đẩy các đại học phát triển. Giá trị và phương diện tích cực của tự chủ đại học là rõ ràng, là hiển nhiên và không thể phủ định” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, qua thực tiễn, điều mà nhiều chuyên gia giáo dục dễ nhận ra là còn nhiều vướng mắc khiến cho chủ trương tự chủ đại học chưa thực sự như mong đợi. Những vướng mắc như hệ thống các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán; khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ; vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích. Có cả những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ…
Minh chứng cho những vướng mắc kể trên là câu chuyện đã xảy ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì vẫn còn nhiều trở ngại khi nhà trường đang gặp phải các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Thêm vào đó, cơ chế chính sách trong việc ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù có nhiều cán bộ khoa học trình độ cao còn hạn chế, bất cập. Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định.
Những rào cản mà Đại học Quốc gia Hà Nội gặp phải chỉ là một minh chứng thực tế trong nhiều câu chuyện bất cập đang xảy ra khi các trường đại học thực hiện chủ trương tự chủ đại học.
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa
Trước những khó khăn vướng mắc, nhiều nhà khoa học, nhà giáo uy tín đã có nhiều trăn trở, đóng góp trong đó có ý kiến tâm huyết của Phó Giáo sư, tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương. Ông Bùi Anh Tuấn có kiến nghị, đối với các cơ quan Đảng cần có sự thống nhất về tự chủ giáo dục đại học và triển khai thực hiện tự chủ giáo dục đại học trong toàn bộ hệ thống chính trị. Cần đẩy mạnh truyền thông và công tác tư tưởng về tự chủ đại học đối với các cấp bộ Đảng và cần tiếp tục nghiên cứu và có những chính sách đột phá hơn cho tự chủ giáo dục đại học, cho sự phát triển của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, trong đó có việc xây dựng thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho giáo dục đại học.
Ngoài ra, đối với cơ quan nhà nước, ông Bùi Anh Tuấn cũng kiến nghị cần tập trung rà soát, đánh giá để từ đó hoàn thiện hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển. Vấn đề quan trọng trước mắt là phải nhanh chóng hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về tự chủ đại học, khắc phục ngay những bất cập, mâu thuẫn trong các quy định pháp lý đang điều chỉnh các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ.
“Nguyên tắc chung trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý phải là chuyển từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, hành lang pháp lý cần tạo ra khuôn khổ cho cơ chế thị trường khi thực hiện tự chủ đại học hoạt động một cách hiệu quả, đáp ứng các định hướng, mục tiêu của Nhà nước” - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Hiệu trưởng Học viện Tài Chính, trong khi hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được cấu thành bởi nhiều bộ phận khác nhau, thì cho đến nay vẫn chưa có các văn bản quy định rõ ràng đối với cơ chế tự chủ đối với từng mô hình cụ thể này.
Thực tế đó đòi hỏi ngoài việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về mặt quản lý nhà nước, thì các cơ quan chủ quản và chủ sở hữu cũng cần xác định một mối quan hệ rõ ràng trong mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ đối với các chính các bộ phận cấu thành của mình theo nguyên tắc chức năng và nhiệm vụ.
Ở một góc nhìn khác, Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, cần chú trọng thực hiện một cách có hiệu quả các chính sách chế độ đãi ngộ về tinh thần cũng như vật chất đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường đại học.
“Đây là một việc làm có ý nghĩa to lớn trong việc tạo động lực cho viên chức hăng say làm việc. Đó là việc trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện để người có đức, có tài phát triển và phát huy hết khả năng của mình. Khen thưởng kịp thời những viên chức có thành tích xuất sắc trong công tác, trong nghiên cứu khoa học... Hoàn thiện công tác tổ chức trong nhà trường, tạo bầu không khí dân chủ, tôn trọng, tin tưởng, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc...” - ông Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
Như vậy có thể thấy, để tự chủ đại học thực sự trở thành một cuộc cách mạng thay đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học thì cần hoàn thiện hơn nữa về thể chế, cần sự quan tâm hơn nữa từ phía các cơ quan Đảng, Nhà nước. Khi mà những nút thắt dần được tháo gỡ, chắc chắn giáo dục đại học có cơ hội phát triển hơn nữa và có đóng chung vào sự phát triển của đất nước.