Đến năm 2025, tối thiểu 90% người nộp thuế hài lòng với sự phục vụ của cơ quan thuế
Nếu như năm 2006 chỉ số nộp thuế của Việt Nam trên bảng xếp hạng của World Bank là “đội sổ”, sau cả Lào, Campuchia thì đến nay, chỉ số này đã được cải thiện đang kể. Kết quả cuộc khảo sát "Đo lường sự hài lòng của NNT với sự phục vụ của cơ quan thuế" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, sự hài lòng của DN năm 2019 là 7,79 điểm, quy ra tỷ lệ phần trăm là 78%, tăng 3% so với năm 2016.
Giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp
Theo Chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Thuế là hoàn thiện, đồng bộ, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo bền vững, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm chi phí tuân thủ của người dân và DN.
Theo đó, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, bao gồm các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu sau đây: Thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập DN; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc NSNN.
Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và 2026 - 2030, trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ DN, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và CNTT. Đến năm 2025, mức độ hài lòng của người nộp thuế (NNT) với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%; tỷ lệ hỗ trợ NNT được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ nhận được đạt tối thiểu 80%. Tỷ lệ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử của NNT là DN, tổ chức đạt tối thiểu 98%; của cá nhân đạt tối thiểu 85%. Tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế, miễn, giảm thuế của NNT được cơ quan thuế giải quyết và trả kết quả đúng hạn đạt tối thiểu 98%.
Nâng cao năng lực quản lý thuế
Cùng với cải cách về thể chế, chiến lược đề ra nhiều vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế nhằm nâng cao năng lực quản lý thuế phù hợp với yêu cầu chính phủ điện tử, chủ yếu một số lĩnh vực: chống chuyển giá; hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới; đại lý thuế. Đơn giản hóa TTHC, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế… Cung cấp, phổ biến đầy đủ, kịp thời quy định của pháp luật thuế. Ứng dụng CNTT vào công tác hỗ trợ NNT để giảm chi phí thực hiện thực hiện TTHC thuế cho NNT.
Nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh áp dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tăng cường áp dụng quản lý rủi ro. Nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác giải quyết kiếu nại, tố cáo, tố tụng về thuế; thủ tục, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tố tụng về thuế được hoàn thiện theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho NNT. Tăng cường công tác thu hồi nợ thuế, thu đúng, đủ, kịp thời, giảm nợ đọng thuế, chống thất thu NSNN. Đơn giản hóa thủ tục quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, nâng cao hiệu quả quản lý; áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; ứng dụng CNTT vào quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 241 ra ngày 29/8/2022)