Đền Thuỷ Trung Tiên, di tích lịch sử độc đáo giữa trung tâm Thủ đô
Đền Thủy Trung Tiên hay còn được gọi là đền Cẩu Nhi, nằm cách đường Thanh Niên (trước là đường Cổ Ngư) khoảng 30m, khuôn viên xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ với một cây cầu bằng đá xanh chạm nổi rồng phượng hình vòng cung nối từ mặt đường Thanh Niên vào cổng tam quan. Đền Cẩu Nhi là nơi gắn liền với những giai thoại nhuốm màu huyền tích, dã sử, đồng thời như “người cận vệ già” dõi theo bao thăng trầm, biến đổi của vùng đất này.
Từ xa xưa, ông cha ta đã truyền lại nhiều câu chuyện gắn liền với văn hoá tâm linh của người Việt, tiêu biểu phải nhắc đến tục thờ Thần Chó (chó đá, chó gỗ). Trong các cuốn sách như Lịch sử Hà Nội, Đại Việt sử ký toàn thư, Ngọc phả cổ lục, có thể thấy rằng tục thờ Thần Chó đã xuất hiện từ rất lâu. Đền Cẩu Nhi (đền Thuỷ Trung Tiên) chính là một trong những nơi thờ phụng vị thần đặc biệt này.
Đền Cẩu Nhi được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ 19, vốn là nơi thờ Mẫu Thoải chứ không phải thờ Thần Chó. Đến năm 1982, đền Cẩu Nhi bị phá đi, tuy nhiên đến năm 1985 lại được phục hồi lại, trở thành hiện trạng như hiện nay.
Trước kia, để ra được đền Cẩu Nhi, người ta phải đi bằng xuồng, thuyền. Hiện nay, ở đây được xây dựng một chiếc cầu đá bắc qua gò nhỏ nổi trên hồ Trúc Bạch. Mọi người sẽ rất khó để nhìn thấy ngôi đền nhỏ này vì vị trí tương đối khuất tầm nhìn.
Ngày nay, đền được đổi sang cái tên là Thủy Trung Tiên, thế nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi nơi đây với cái tên cũ. Cũng bởi vị trí đặc biệt, đền tọa lạc trên một gò đất nổi giữa mặt hồ phẳng lặng, xung quanh là rừng cây rậm rạp, um tùm, khiến cho không gian nơi đây nhuốm màu bí ẩn, kích thích trí tò mò, muốn khám phá của nhiều người.
“Thực ra mà nói, sống ở Hà Nội nhiều năm nhưng tôi cũng không biết đến di tích cổ này. Gần đây mới tìm hiểu được nên tôi đến thăm quan, khám phá thêm. Đúng là di tích cổ nên cái nhìn đầu tiên đã thấy được ở đền Cẩu Nhi sự cổ kính và nhuốm màu thời gian. Trong đền cũng được bố trí rất nhiều tượng đá Thần Chó, một biểu tượng văn hoá tâm linh của người Việt ta”, anh Tuấn Ninh, nhân viên văn phòng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cho biết.
Có lẽ bởi thế, ngay từ khoảnh khắc ánh mắt đầu tiên ta nhìn thấy ngôi đền này, mọi người đều cảm nhận được chiếc áo khoác lịch sử xưa cũ được khoác trên vẻ ngoài của ngôi đền. Ngay từ khu vực trước cầu đá dẫn vào đền là ít nhất 4 cặp chó đá ở phía trước, sau cổng Tam quan, cửa đền và bia đá.
Đi sâu vào trong, dưới sự bào mòn của thời gian, du khách sẽ thấy di tích đền cũ đã không còn nguyên vẹn. Hiện nay, đền Thuỷ Trung Tiên được phục dựng theo lối kiến trúc thời Lý với cây cầu bằng đá xanh có chạm nổi hình rồng, phượng và các bức phù điêu nhiều hoạt tiết. Cây cầu được ví như sợi dây kết nối khu vực đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên ngày nay) tấp nập người qua kẻ lại dẫn vào đền. Xung quanh cầu là những hàng cổ thụ rậm rạp trải dài khắp đoạn đường dài 18m với 5 nhịp dẫn, mỗi nhịp dài 3,6m và rộng chừng 2,25m.
Được phục dựng từ dáng dấp của một ngôi cổ tự, thế nên mọi thứ trong Đền Cẩu Nhi, từ chân nến, chông và tượng thờ đều được tạc tinh xảo, tỉ mẩn. Những người nghệ nhân thuộc làng đúc đồng Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch đã đảm nhận việc này, thế nên mọi chi tiết, hoa văn ở đây đều toát lên vẻ đẹp từ sự tỉ mỉ, cẩn thận. Nổi bật nhất phải kể đến các bức phù điêu và tượng liên quan đến Thần Chó được bố trí rải rác khắp khuôn viên, phần nào nhấn mạnh sự độc đáo và cái tên gắn bó từ xa xưa của ngôi đền này.
Phần mái ngói nơi cổng tam quan và toàn bộ ngôi đền đều được lợp hoàn toàn từ ngói vảy cá truyền thống. Mặc dù diện tích gò đất nổi này khá rộng, khoảng tầm 500m2, thế nhưng không gian nơi đây đều rợp bóng cây xanh, nhìn từ xa có cảm tưởng như một hòn đảo nổi tươi tốt giữa mặt hồ phẳng lặng.
Trải qua nhiều biến động của thời cuộc, ngày nay, Đền Cẩu Nhi chỉ còn sót lại mỗi tấm bia đá là vết tích của một thời hoàng kim ngày trước. Trên tấm bia được chạm nổi hình cánh sen, khắc bốn chữ “Di tích Cẩu Nhi” thế nhưng cũng đã bị mai một đi ít nhiều. Đền Thuỷ Trung Tiên ngày nay là còn một phần của quần thể di tích gồm đền Quán Thánh và chùa Trấn Quốc.
Bà Kim Ngọc, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Vào những dịp lễ như đầu năm, ngày rằm hoặc mùng một, người dân chúng tôi thường đến đây cúng bái, cầu sức khỏe, may mắn, bình an cho bản thân, gia đình và người thân”.
Nếu du khách đứng giữa khuôn viên đền, bạn có thể nhìn thẳng ra hướng hồ Trúc Bạch êm đềm và phía xa xa là hồ Tây tấp nập người qua kẻ lại.
Trải qua ngót nghét nghìn năm lịch sử, đền Thuỷ Trung Tiên vẫn khiêm tốn, nằm ẩn mình ở nơi đó. Ngày nay, cũng chẳng còn mấy người nhớ đến sự tích và tên gọi gắn liền với nơi đây từ xa xưa. Thế nhưng, đôi chó đá được đặt ngay vị trí cổng vào như thể hiện quan niệm tâm linh của người Việt và lời gửi gắm tới du khách xa gần nhớ tới tên gọi Cẩu Nhi năm nào.