1. Trang chủ /
  2. Gần 1.500ha rừng cần chuyển đổi để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

Gần 1.500ha rừng cần chuyển đổi để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

thứ ba, 9/5/2023 12:29 GMT+07
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về diện tích rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên cần chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.
Hình ảnh thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Theo Bộ GTVT, các địa phương đang quyết liệt thực hiện công tác đền bù, bàn giao mặt bằng đạt gần 584km (đạt khoảng 81%) và tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành trong quý II/2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.

gan 1500ha rung can chuyen doi de phuc vu thi cong cao toc bac  nam hinh 1
Hình ảnh thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Nhưng hiện tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn bị ảnh hưởng lớn do công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng vẫn còn vướng mắc khi các địa phương mới phê duyệt phần diện tích theo Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15.

Chưa phê duyệt phần diện tích rừng tăng thêm, phần diện tích nằm ngoài phạm vi ranh giới đã được điều tra cũng như phần diện tích rừng các đoạn điều chỉnh hướng tuyến.

Báo cáo mới nhất của các địa phương cho thấy, diện tích rừng các loại cần chuyển đổi phục vụ triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là hơn 1.491ha, tăng 437ha (rừng trồng tăng gần 422ha, rừng tự nhiên tăng 15ha).

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Bình là địa phương có diện tích rừng cần chuyển đổi tăng thêm lớn nhất (hơn 226ha), Phú Yên tăng hơn 102ha, Bình Định tăng gần 70ha, Quảng Ngãi tăng gần 20ha, Hà Tĩnh tăng hơn 17ha, Quảng Trị tăng gần 14ha. Riêng tỉnh Khánh Hòa, diện tích rừng cần chuyển đổi giảm hơn 12ha.

Đối với đất rừng các loại, diện tích cần chuyển đổi khoảng hơn 1.700ha, giảm gần 148ha. Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là hơn 1.546ha, tăng gần 10ha.

Nguyên nhân có sự chênh lệch về diện tích theo Bộ GTVT chủ yếu do khi triển khai bước lập thiết kế kỹ thuật, phương án tuyến cần được tối ưu hóa để đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật.

Đồng thời cập nhật chính xác điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn dẫn đến thay đổi cao độ đường đỏ, độ dốc mái đào, đắp. Xác định chính xác hơn ranh giới, phạm vi chiếm dụng đất của dự án.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến để báo cáo Quốc hội theo đúng quy định.