1. Trang chủ /
  2. Giá vàng vượt mốc 74 triệu/lượng, tăng cao nhất lịch sử

Giá vàng vượt mốc 74 triệu/lượng, tăng cao nhất lịch sử

thứ năm, 30/11/2023 00:02 GMT+07
Sáng 29/11, vàng SJC vọt lên trên 74 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - giá bán ở mức 1,2 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử.

Cụ thể, vào lúc 10h sáng nay giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được đẩy lên mức 73,2 - 74,4 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 900.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Chênh lệch giá mua - giá bán ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.

Trước đó, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết 73,22 - 74,38 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Ở mức giá này, giá vàng SJC chính thức phá kỷ lục 74 triệu đồng/lượng được thiết lập hồi tháng 3/2022. Chỉ trong sáng nay, giá vàng tăng gần 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng duy trì mức cao kỷ lục, niêm yết 60,65 - 61,75 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng điều chỉnh tăng 1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua, niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 72,3 - 73,1 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới cũng tăng mạnh lên mức 2.045 USD/ounce, tăng 29 USD/ounce so với sáng qua.

Giá vàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, giá vàng SJC tăng “sốc” bởi giá vàng thế giới tăng liên tục và dự báo giá vàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Hùng - Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, giá vàng SJC đang ở mức cao nhất và chưa từng có trong lịch sử.

Theo ông Hùng, vàng trong nước tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu bởi giá vàng thế giới tăng lên mốc 2.045 USD/ounce, tuy chưa bằng mốc lịch sử năm ngoái 2.075 USD/ounce nhưng giá vàng SJC phá vỡ kỷ lục năm ngoái lên 74,4 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất chưa từng có bởi hiện nay, tỷ giá USD lên trên 24.500 đồng/USD.

“Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm chạm đáy, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản còn nhiều rủi ro nên người dân lựa chọn đầu tư vàng”, ông Hùng nói.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, giá vàng tăng chỉ có lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng khi để khoảng cách chênh lệch mua vào bán ra lên tới 1,2 triệu đồng/lượng, ông Hùng cho rằng, trong bối cảnh giá vàng biến động nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp phải nới khoảng cách để tránh rủi ro. Hiện, người dân vẫn có xu hướng bán vàng ra nhiều hơn mua vào.

“Bản thân các doanh nghiệp bây giờ không dám “ôm” vàng để giữ giá bởi giá có thể tụt nhanh. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp không dám mua vàng trôi nổi vì nhiều vụ bắt bớ nên vàng SJC chỉ quay vòng giữa người dân và doanh nghiệp”, ông Hùng cho hay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu lên 3 lý do khiến giá vàng trong nước tăng liên tục, đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thứ nhất, thị trường vàng trong nước đang nhiều biến động, xuất phát từ việc chúng ta quản lý giao dịch vàng chặt hơn.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, xuất hiện tin đồn không cho buôn bán vàng miếng. Điều này khiến nhiều người dân cho rằng việc mua vàng miếng sẽ khó khăn. Do đó, họ tranh thủ mua vàng khiến vàng tăng giá.

Thứ hai, thời gian qua lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn. Một số người có tiền gửi vào ngân hàng thì lãi không được bao nhiêu. Trong khi đầu tư thì ít cơ hội, do các doanh nghiệp đang ít đơn hàng, co cụm lại nên cơ hội đầu tư càng ít.

Mặc dù, giai đoạn 2 tháng cuối năm được dự báo sẽ là giai đoạn bùng nổ của sản xuất kinh doanh nhưng dường như các nhà đầu tư không tin tưởng lắm, do đó dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý.

Thứ ba, đang cận dịp cuối năm, nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ đám cưới, đám hỏi tăng lên, điều này có thể khiến giá vàng tăng.