1. Trang chủ /
  2. Giải pháp phát huy giá trị văn hóa, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của văn nghệ sỹ

Giải pháp phát huy giá trị văn hóa, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của văn nghệ sỹ

thứ ba, 21/3/2023 15:17 GMT+07
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội đưa ra những giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng Hà Nội hướng đến mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội đưa ra những giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa tại Hội thảo

Phát huy tối đa những giá trị văn hóa tích cực

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương đưa ra quan điểm: Nếu lấy mục tiêu xây dựng “thành phố sáng tạo” làm trọng điểm, nguồn lực văn hóa của Hà Nội được xác định gồm: Nguồn lực con người; Nguồn lực di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa; Nguồn lực hạ tầng văn hóa.

Theo đó, các giải pháp xây dựng văn hóa cho Hà Nội phải được đề ra dựa trên cơ sở bám sát tình hình và định hướng phát triển của các loại hình nguồn lực đó. Từ đó, rất nhiều giải pháp có thể được đặt ra, trong đó, phát triển công nghiệp sáng tạo là một trong những phương thức hứa hẹn tính hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển của Hà Nội hiện nay. Phát triển nguồn lực văn hóa cần phát huy tối đa những giá trị văn hóa tích cực, tạo ra định hướng văn hóa nói chung, nâng cao nhận thức và phát triển chuẩn mực văn hóa - văn hiến Hà Nội hiện đại.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội đưa ra những giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa tại Hội thảo

Những di sản, công trình, tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật của Hà Nội từ hơn một ngàn năm nay đã trực tiếp nuôi dưỡng, phát triển và định hình nhân cách con người được sống, làm việc trong không gian văn hóa Hà Nội, chúng ta phải tạo những cơ chế, chính sách phát huy vai trò, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của những giá trị đó làm nền tảng phát triển văn hóa Thủ đô.

Hà Nội cần tập trung nghiên cứu quy hoạch không gian văn hóa, kết nối giữa các địa phương để đưa vào quy hoạch chung; Nghiên cứu mô hình chuyển đổi, cải tạo các di sản văn hóa trở thành các không gian văn hóa sáng tạo gắn với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương để tạo lập hoạt động thiết kế sáng tạo trong văn hóa, nghề thủ công phục vụ du lịch, thương mại và phát triển kinh tế địa phương.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu trong cả nước về số lượng các không gian sáng tạo. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, tính đến năm 2020, Hà Nội có khoảng 190 không gian sáng tạo. Sự nở rộ của các không gian sáng tạo tại Hà Nội cho thấy tín hiệu vui trong việc nuôi dưỡng và phát triển văn hóa từ chính cộng đồng, cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của thành phố khi lựa chọn đẩy mạnh phát triển các không gian văn hóa sáng tạo.

Thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo nói chung và không gian sáng tạo nói riêng; Có chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng, thuê mặt bằng kinh doanh… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo phát triển.

Bên cạnh đó, ngoài chủ thể lãnh đạo quản lý, để phát triển không gian sáng tạo cần có sự tham gia của giới nghiên cứu, đội ngũ doanh nhân, nghệ sỹ, công chúng… Xây dựng, phát triển không gian sáng tạo là vấn đề mới mẻ về phương diện lý luận và thực tiễn ở Việt Nam. Chính vì vậy, thành phố cần tiếp tục có những nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu mang tính tổng kết thực tiễn các mô hình phát triển không gian sáng tạo.

Thu hút đội ngũ doanh nhân, nghệ sỹ - chủ thể sáng tạo tiếp tục phát huy ý tưởng

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông qua nhiều chính sách cụ thể, thu hút đội ngũ doanh nhân, nghệ sỹ - chủ thể sáng tạo tiếp tục phát huy ý tưởng. Công chúng cũng cần được quan tâm ở nhiều phương diện: Giáo dục thẩm mỹ, nâng cao nhận thức… để trở thành công chúng thông minh trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ từ những không gian sáng tạo.

Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Hà Nội cần có thêm các giải pháp về cơ chế chính sách; Công tác quy hoạch, kế hoạch; Thu hút đầu tư; Đào tạo, phát triển, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực văn hóa; Xây dựng cơ sở dữ liệu, quảng bá hình ảnh.

Cần phát huy sự vào cuộc, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ hơn nữa (Ảnh minh họa)

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cũng là nơi diễn ra các sự kiện tiêu biểu của đất nước về chính trị, xã hội, văn hóa… Gần đây, Hà Nội còn được các nước lựa chọn là nơi gặp gỡ của các nguyên thủ, tổ chức hội nghị về chính trị, kinh tế, khoa học. Đó là điều kiện thuận lợi để nuôi mầm những sáng tác mang tính chuyên nghiệp, mang tầm giá trị cao, có thể biểu đạt được giá trị văn hóa đặc trưng của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Hà Nội đã và vẫn đang thiếu vắng các tác phẩm chất lượng, sáng tạo, có sức lan tỏa rộng lớn, thay vào đó, đa số các hoạt động văn hóa và sản phẩm văn hóa được tạo ra đều tập trung quá nhiều vào các hoạt động công cộng, phục vụ nhu cầu giải trí phổ thông, coi trọng số lượng hơn chất lượng. Hà Nội “còn thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Đồng thời, nhiều tác phẩm lại khai thác thái quá khía cạnh giải trí, bạo lực, kinh dị… hạ thấp tính giáo dục, xa rời bản sắc dân tộc”.

Mặc dù số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sỹ Thủ đô ngày càng tăng, nhưng phải thừa nhận là chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng; Chưa có nhiều tác phẩm vượt qua lối mòn và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới với tư duy đột phá mới. Hàm lượng chất xám trong các tác phẩm điện ảnh còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, âm nhạc chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới…

Mảng nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa định hướng thật tốt thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, việc thẩm định tác phẩm đôi khi còn thiếu chính xác. Có thể nói, Hà Nội đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô, nhưng đa phần sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, hấp dẫn.

Hiện nay, hoạt động giải trí không đơn thuần chỉ trong phạm vi một ngành nghệ thuật cụ thể, mà cần sự phối hợp đa ngành. Vì vậy, Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Chúng ta sáng tạo các sản phẩm theo hướng công nghiệp văn hóa, vừa hấp dẫn, độc đáo với cách tiếp cận mới, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, thì sức lan tỏa mới rộng rãi.


Vì vậy, Hà Nội cần nhấn mạnh đến công tác tập trung phát triển văn hóa nghệ thuật Thủ đô, sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao để tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, tập trung đầu tư phát triển, sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật; Tiếp tục chăm lo phát triển nâng cao chất lượng hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; Phát huy trí tuệ, vai trò sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ.

Hà Nội cũng cần xây dựng nhiều hơn các không gian văn hóa, nơi các nghệ sỹ, nhà sản xuất tập trung ở đó - như một chất xúc tác để tạo ra những ý tưởng sáng tạo cho văn nghệ sỹ. Đầu tiên phải là ý tưởng, cách thể hiện rồi mở rộng biên độ sáng tạo và ảnh hưởng của tác phẩm đó đối với công chúng nói riêng và nền văn hóa nói chung.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tìm phương án nâng cao giá trị của các giải thưởng văn học nghệ thuật, quan tâm đầu tư hơn về sáng tác qua việc tổ chức các cuộc thi, phổ biến các tác phẩm đến công chúng, quan tâm đến đời sống văn nghệ sỹ, cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật… Trên cơ sở đó mới có thể từng bước nâng cao chất lượng, phát huy được vai trò, trí tuệ sáng tạo cũng như chất xám của giới văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô hiện nay.