Giải quyết cơ bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo
Củng cố vững chắc niềm tin với Đảng, Nhà nước
Trình bày Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào cơ bản ổn định. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện, phát huy hiệu quả.
Thời gian qua, các tỉnh trong khu vực tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về giáo dục ở vùng DTTS. Một số tỉnh có cơ chế đặc thù riêng hỗ trợ cho học sinh DTTS không thuộc diện thụ hưởng chính sách chung. Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức...
Đồng bào các dân tộc kiến nghị các cơ quan nhà nước, các đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Khôi phục một số tập quán tốt, “văn hóa” ứng xử với rừng của người DTTS; giải quyết hợp lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa việc triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi cũ.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết, đồng bào các DTTS có nguyện vọng và kiến nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ cần có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa...
Từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng, Nhà nước mà trực tiếp thường xuyên là cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đến nay, về cơ bản Nhà nước đã ban hành chính sách phủ hết các lĩnh vực trong đời sống của đồng bào. Trong đó 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bố trí 100.000 tỷ vốn đầu tư, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được bố trí 50.000 tỷ đồng. Việc thực hiện hiệu quả chương trình này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sản xuất, y tế, giáo dục; phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc.
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Chiến còn trăn trở khi so với mặt bằng chung của cả nước, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. “Từ những ý kiến, kiến nghị của đại biểu tham dự Hội nghị, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản gửi Chính phủ, các địa phương, Bộ, ngành liên quan để đề xuất khai thác sử dụng hiệu quả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; quan tâm đến chế độ cử tuyển và chính sách tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số...”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh và cho biết UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ xây dựng chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.