1. Trang chủ /
  2. GIẢI QUYẾT, XỬ LÝ VỤ VIỆC BẠO LỰC GIA ĐÌNH: Hướng tới sự triệt để khi sửa luật

GIẢI QUYẾT, XỬ LÝ VỤ VIỆC BẠO LỰC GIA ĐÌNH: Hướng tới sự triệt để khi sửa luật

thứ hai, 29/8/2022 08:31 GMT+07
(PLM) - Trong bối cảnh bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau hơn 14 năm thi hành đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.

Đừng để quy định “cấm tiếp xúc” bị lợi dụng

Hiện nay, Dự thảo Luật đang trong quá trình chỉnh lý dự thảo sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Bên cạnh việc kế thừa nội dung còn giá trị thực tiễn của luật hiện hành và luật cũng có các quy định sửa đổi, bổ sung để giải quyết thách thức đang tồn tại.

Trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc nhằm mục đích trước hết để ngăn chặn hành vi bạo lực có thể tiếp diễn và những hậu quả xấu có thể xảy ra do hành vi này. Đây là một biện pháp có tính chất khẩn cấp tạm thời nhằm mục đích bảo vệ kịp thời nạn nhân của BLGĐ khi có yêu cầu trợ giúp của nạn nhân, đồng thời giúp người có hành vi BLGĐ có thời gian suy xét về hành vi sai trái của mình để tiến tới hòa giải hai bên, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Luật PCBLGĐ năm 2007 có quy định về cấm tiếp xúc, tuy nhiên, qua thời gian thực hiện đã bộc lộ bất cập, đòi hỏi phải có sự chỉnh lý, sửa đổi.

Dự thảo Luật PCBLGĐ ngày 19/8/2022, khoản 2 Điều 2 quy định: “Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình; hoặc không đến gần nhưng sử dụng các phương tiện để thực hiện hành vi bạo lực gia đình”. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định cụ thể hóa chính sách áp dụng cấm tiếp xúc đối với người có hành vi bạo lực (điểm b khoản 1 Điều 9, điểm c khoản 1 Điều 22, Điều 25, Điều 26, Điều 27, điểm a khoản 6 Điều 49).

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, việc Dự thảo Luật bổ sung việc giải nghĩa “cấm tiếp xúc”, hoàn thiện cơ chế pháp lý về cấm tiếp xúc là rất cần thiết và là một trong các điểm sáng của Dự thảo. Tuy nhiên, xét về tính khả thi trong áp dụng pháp luật, tính đồng bộ, thống nhất trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự thì vẫn còn vấn đề cần bàn.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo luật PCBLGĐ do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã đặt câu hỏi, việc Dự thảo Luật quy định về nội dung cấm tiếp xúc có tác động đến quyền, nghĩa vụ về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình và quyền, nghĩa vụ về giám hộ quy định tại Bộ luật Dân sự của người có hành vi BLGĐ đối với người bị BLGĐ hay không? Sở dĩ có câu hỏi này vì theo ông Hải, “Dự thảo Luật chưa làm rõ việc cấm tiếp xúc có làm thay đổi hoặc làm chấm dứt các nghĩa vụ này của người có hành vi bạo lực gia đình đối với người bị bạo lực gia đình”.

Cũng theo ông Hải, khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”. Dự thảo Luật PCBLGĐ chưa làm rõ việc cấm tiếp xúc có làm thay đổi hoặc làm chấm dứt nghĩa vụ sống chung giữa vợ và chồng được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình hay không?

“Dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế pháp lý về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ liên quan nêu trên trên quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Ví dụ, bổ sung một khoản vào trong quy định về trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình tại Điều 10 Dự thảo Luật: “Tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với người bị BLGĐ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình trong trường hợp bị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình theo quy định tại Luật này”, ông Hải nêu đề xuất.

Để nạn nhân không nản khi kêu cứu

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ thực hiện năm 2019 và công bố năm 2020 cho thấy, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Điều này cho thấy BLGĐ không những khó phát hiện bởi vì xuất phát từ thực tế quan hệ trong gia đình mang tính khép kín, mà các vụ việc BLGĐ còn được xử lý chủ yếu bằng hòa giải và theo kiểu xí xóa, đóng cửa bảo nhau. Vì vậy, gần 90% người bị bạo lực gia đình không muốn tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức. Thực tế này đặt ra nhiệm vụ cho các nhà làm luật phải sửa đổi, bổ sung sao cho các vụ việc BLGĐ phải được giải quyết, xử lý triệt để.

Tại Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật PCBLGĐ do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, nêu thực tế thi hành Luật PCBLGĐ hiện hành, TS. Nguyễn Văn Tiên nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho biết, hiện nay khi mỗi vụ BLGĐ xảy ra, dù được báo tin đầy đủ, nhưng vẫn thiếu địa chỉ chịu trách nhiệm chính trong việc để vụ BLGĐ gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đó khiến hành vi BLGĐ không bị xử lý triệt để và khiến nạn nhân bị BLGĐ nản, không muốn tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cứ âm thầm chịu đựng.

Theo TS Nguyễn Văn Tiên, Dự thảo Luật đã khắc phục hạn chế nêu trên và thiết kế theo hướng, tất cả tin báo vụ BLGĐ đều phải đến điểm cuối cùng là Chủ tịch UBND cấp xã và là người chịu trách nhiệm, phân công việc xác minh, phân công người xử lý. Có ý kiến nên giao cho Công an xã, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tiên, BLGĐ có nhiều dạng (bạo lực thể xác, kinh tế, tinh thần, tình dục…), vì vậy không phải tất cả vụ việc BLGĐ ở cộng đồng cần công an xử lý, trong khi Việt Nam có cả hệ thống tổ chức chính trị xã hội rộng khắp ở cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp xã là người chịu trách nhiệm toàn diện ở địa bàn xã, vì vậy, Dự thảo Luật giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã là hợp lý.

Đề xuất thành lập Quỹ phòng chống BLGĐ

Góp ý vào Dự thảo Luật PCBLGĐ, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM nêu quan điểm, cần có quy định nhằm tăng cường nguồn lực kinh phí để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện tốt các quyền cho nạn nhân bị BLGĐ. Ví dụ khi nạn nhân có yêu cầu được bố trí nơi tạm lánh, yêu cầu được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội… thì có ngay chi phí để thực hiện. Về vấn đề nguồn lực kinh phí, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội cũng có đề xuất, thực tế cho thấy nguồn ngân sách nhà nước chưa thể bao trùm, giúp hỗ trợ các hoạt động PCBLGĐ.

Mặt khác, việc nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để vận hành các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, các mô hình PCBLGĐ cho thấy sự hiệu quả. Do đó, nên chăng cần tính đến việc thành lập và vận hành Quỹ PCBLGĐ với nguồn thu chính từ các hoạt động xã hội hóa để góp phần giải quyết khó khăn về kinh phí, giảm tải cho ngân sách nhà nước, thực hiện hiệu quả hoạt động PCBLGĐ.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 241 ra ngày 29/8/2022)