Giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9: Giải tỏa nỗi lo ùn tắc, quá tải
Nơm nớp mối lo vận chuyển
Theo đó, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 4 ngày, từ thứ 5 (ngày 1/9) tới hết chủ nhật (ngày 4/9). Đợt lễ kéo dài, nhu cầu đi du lịch, về quê thăm người thân và gia đình,… của người dân cũng tăng đột biến, đặt nhiều áp lực lên ngành vận tải hành khách. Di chuyển bằng xe khách trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người mỗi khi những ngày nghỉ lễ dài sắp đến do lo ngại cảnh ùn tắc, tai nạn giao thông. Thời điểm hiện tại, nhiều nhà xe tại Hà Nội đã thông báo “cháy vé” trong các ngày cao điểm hoặc chỉ còn lại rất ít ghế trống.
Ghi nhận thực tế của PV Báo Đại Đoàn Kết ngay 30/8, tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm,… lượng hành khách tại bến vẫn rất thưa vắng. Số lượng người đến mua vé trực tiếp cũng không nhiều. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi, lượng khách chủ yếu đã đặt vé qua kênh trực tuyến trước thời điểm nghỉ lễ khoảng 10 - 15 ngày. Người dân cũng tranh thủ đặt cả vé chiều về nên thời điểm hiện tại, nhiều nhà xe đã hết cả vé VIP lẫn vé thường.
Anh Phạm Viết Quyền (quê Nghệ An) đi xe tuyến Nước Ngầm - Nghệ An chia sẻ, năm nay ngày lễ Quốc khánh 2-9 được nghỉ tới 4 ngày nên anh quyết định về quê thăm nhà. Mọi năm lượng khách khá đông, dồn vào ngày làm việc cuối cùng, vì vậy năm nay anh lựa chọn về sớm hơn dự kiến để tránh tình trạng chen chúc, quá tải trên các xe khách.
“Vài năm về trước tôi bận việc không thể về nhà sớm hơn so với lịch nghỉ lễ. Vì thế, nếu năm nào may mắn thì ra bến xe còn có vé kịp chuyến để về quê. Còn không thì bắt xe ở ngoài bến với mức giá cao gấp 2 thậm chí là gấp 3 lần để về quê nghỉ lễ. Mới năm ngoái, tôi phải mua vé giá cao để về quê nhưng chất lượng thì không cao như giá vé. Xe 28 chỗ nhưng chở đến hơn 40 người, từ 1 người 1 giường thành 2 người 1 giường. Nhiều người phải nằm la liệt ở dưới sàn của xe ô tô”- anh Quyền cho hay.
Tương tự, Anh Nguyễn Văn Sơn (quê Thanh Hóa) cho biết: “Tôi cũng đã nhiều lần bị rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, nếu không bắt xe đó về thì phải chờ thêm vài tiếng mới có xe để về”.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị thuộc ngành GTVT về việc triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay. Trong đó, Bộ GTVT chỉ đạo các Sở GTVT, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện. Cùng với đó, tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm…
Sẵn sàng đảm bảo an toàn giao thông
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lý Trường Sơn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay diễn ra vào các ngày nghỉ cuối tuần, kéo dài đến 4 ngày, do đó, nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân sẽ tăng cao đột biến. Theo dự kiến, lượng hành khách sẽ tăng 2,5 lần với trung bình từ 10 - 15 nghìn người/ngày. Lượng xe cũng tăng khoảng 35% so với ngày thường, đạt khoảng hơn 800 xe/ngày. Trong đó, lượng xe chủ yếu tập trung vào các tuyến như Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ…
Theo ông Sơn, công tác chuẩn bị cho đợt nghỉ lễ này đã được bến xe khẩn trương hoàn tất. Theo đó, để đảm bảo tốt việc đi lại của hành khách trong đợt nghỉ lễ này, bến xe đã triển khai nhiều biện pháp. Thứ nhất là phối hợp với công an địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ tại bến xe, tăng cường công tác vệ sinh môi trường. Phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Công an giao thông để kiểm tra điều kiện phương tiện tham gia phục vụ hành khách đợt nghỉ lễ. Thứ hai là liên hệ với các đơn vị vận tải, lái xe, phụ xe tăng cường kiểm tra phương tiện về cả số lượng cũng như chất lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu phương tiện.
“Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường việc kiểm tra trước khi xe xuất bến, đảm bảo không nhồi nhét hành khách, thu giá vé vượt quá mức quy định, sẵn sàng xử phạt nếu phát hiện vi phạm” - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng khuyến cáo, để có được những chuyến đi chất lượng, đề nghị hành khách vào bến để được phục vụ, đảm bảo an toàn giao thông cũng như tránh tình trạng mua vé xe với giá vượt quy định.
Tương tự, ông Trần Mạnh Hà - Trưởng ca điều hành Bến xe Giáp Bát cũng thông tin, bến xe đã làm việc với các đơn vị vận tải hành khách và yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị đủ số lượng phương tiện tham gia vận chuyển hành khách từ hơn 1 tuần trước. Bến xe cũng chuẩn bị các phương án tăng cường, dự phòng phương tiện và công tác đảm bảo an toàn giao thông để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong đợt nghỉ lễ dài này.
“Bến xe Giáp Bát đã yêu cầu các nhà xe, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đúng các quy định về thời gian, số lượng hành khách, giá vé niêm yết… Đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe. Trong dịp này, theo ước tính, lượt xe xuất bến có thể tăng đến 25% so với ngày thường, số lượng hành khách tăng khoảng 4.000 – 5.000 khách/ngày” - ông Hà cho biết.
Đối với các trường hợp vi phạm, sẵn sàng các biện pháp chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động tham gia phối hợp chặt chẽ với Công an quận Hoàng Mai và Công an phường Giáp Bát trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài bến. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xử lý việc vận chuyển chất cháy nổ, hàng cấm, hàng giả, các đối tượng cò mồi, dắt khách...
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người dân dịp nghỉ lễ, Cục CSGT Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương chỉ đạo có hiệu quả các điểm kiểm tra, tập trung tuần tra khép kín và tăng cường các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn, ùn tắc như vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, ma túy…
Cục CSGT yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, các trục chính ra vào Hà Nội và TPHCM, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến tàu, nhà ga, các điểm đang thi công… để kịp thời khắc phục sự cố, tai nạn, đặc biệt là trên những tuyến giao thông huyết mạch.