1. Trang chủ /
  2. Giao tranh tại Sudan: Các bên xung đột nhất trí ngừng bắn 7 ngày

Giao tranh tại Sudan: Các bên xung đột nhất trí ngừng bắn 7 ngày

chủ nhật, 21/5/2023 12:13 GMT+07
Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo được ký kết tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, kêu gọi phân phát hỗ trợ nhân đạo, khôi phục các dịch vụ chính yếu và rút các lực lượng vũ trang khỏi các cơ sở y tế...
Khói bao trùm bầu trời thủ đô Khartoum khi xung đột nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF ngày 3/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bao trùm bầu trời thủ đô Khartoum khi xung đột nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng bán quân sự RSF ngày 3/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/5, Mỹ và Saudi Arabia ra tuyên bố chung cho biết Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) cùng ngày đã ký thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo kéo dài 7 ngày.

Thỏa thuận có hiệu lực sau 48 tiếng kể từ lúc được ký kết, tức vào 21h45 giờ địa phương (2h45 ngày 23/5 theo giờ Hà Nội).

Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo được ký kết tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, kêu gọi phân phát hỗ trợ nhân đạo, khôi phục các dịch vụ chính yếu và rút các lực lượng vũ trang khỏi các cơ sở y tế và các hệ thống tiện ích công cộng trọng yếu.

Trong bối cảnh nhiều thỏa thuận ngừng bắn trước đó đã bị vi phạm, thỏa thuận lần này sẽ được củng cố bởi một cơ chế giám sát có sự tham gia của Mỹ, Saudi Arabia và cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định đã đến lúc ngưng tiếng súng và cho phép tiếp cận nhân đạo, đồng thời kêu gọi hai bên tuân thủ thỏa thuận này.

Xung đột leo thang ở Sudan trong bối cảnh nảy sinh bất đồng giữa người đứng đầu quân đội, Abdel Fattah al-Burhan, người cũng đứng đầu hội đồng quân sự chuyển tiếp, và người đứng đầu RSF Mohamed Hamdan Dagalo (còn được gọi là Hemedti), cấp phó của Tướng al-Burhan trong hội đồng quân sự chuyển tiếp.

Những vấn đề chính gây căng thẳng giữa hai bên liên quan đến thời gian và phương pháp thống nhất các lực lượng vũ trang của Sudan, cũng như việc bổ nhiệm tổng tư lệnh quân đội.

Giao tranh đã khiến dự trữ lương thực, tiền và các nhu yếu phẩm khác nhanh chóng cạn kiệt. Các vụ cướp phá xảy ra tại các ngân hàng, đại sứ quán, cơ quan hỗ trợ và cả các nhà thờ.

Các tổ chức cứu trợ cho biết không thể cung cấp hỗ trợ tại Khartoum, do không có sự đảm bảo an ninh và sự di chuyển an toàn cho nhân viên.

Đây là thỏa thuận dài hạn thứ hai về ngừng bắn nhân đạo mà SAF và RSF đạt được kể từ khi xung đột nổ ra.

Thỏa thuận đầu tiên, lẽ ra phải được duy trì trong 10 ngày, song nhanh chóng bị đổ vỡ./.