1. Trang chủ /
  2. Giao xe cho con chưa đủ tuổi thành niên điều khiển: Cha mẹ phải chịu trách nhiệm

Giao xe cho con chưa đủ tuổi thành niên điều khiển: Cha mẹ phải chịu trách nhiệm

thứ sáu, 23/2/2024 11:03 GMT+07
Thời gian gần đây có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển. Để xảy ra các vụ tai nạn trên có một phần lỗi của phụ huynh. Nhiều phụ huynh đã bị khởi tố vì giao xe cho con.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Cái giá đau lòng” vì giao xe cho con

Theo hồ sơ năm 2021, chị Rơ Mah Pil (SN 1986, ở làng Tu, xã Ia Lâu, Chư Prông, Gia Lai) mua xe mô tô, sau đó giao cho con trai là R.M.T (SN 2006, chưa có Giấy phép lái xe) để sử dụng đi lại hằng ngày. Trưa 25/10/2023, T uống bia rượu mừng nhà mới tại nhà của một người cùng làng. Sau đó, T đi về nhà.

Đến khoảng khoảng 17h15 cùng ngày, chị Pil đi chăn bò về nhà, thấy con trai nằm trên giường xem điện thoại. Đến khoảng 17h30, chị Pil đi bộ ra phía ngoài mua đồ chuẩn bị nấu ăn. Trên đường về nhà, người mẹ thấy con trai đang ngồi trên xe mô tô BKS 81B2-636.82 không đội mũ bảo hiểm, nói chuyện với N.K (SN 2005 trú ở làng Tu 2) và S.N (SN 2005, trú ở làng Tu).

Chị Pil đến gần, ngửi thấy mùi rượu bia trên người con trai nhưng chỉ hỏi “đi đâu”. T trả lời mẹ “đi chơi”. Sau đó, T rồi điều khiển xe đi cùng với bạn, chị Pil thấy vậy cũng không ngăn cản con mà đi về nhà.

Đến khoảng 17h45 cùng ngày, T điều khiển xe mô tô chở N.K và S.N đi từ hướng Lâu đến xã Ia Ga để chơi. Khi đi đến đoạn đường liên xã thuộc Km 10+90 thôn Pắc Bó, xã Ia Lâu thì va chạm với xe mô tô BKS 81B2-199.06 do anh R.M.T (SN 2001, ở làng Tu) điều khiển đi ngược chiều. Vụ va chạm trên đã khiến cả 4 người tử vong.

Nguyên nhân gây TNGT được xác định là người gây tai nạn chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. T điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ; Điều khiển phương tiện khi trong người có nồng độ cồn; Chở người quá quy định.

Tương tự chị Rơ Mah Pil, ông Nguyễn Chơn Tiên (SN 1982, ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cũng giao cho con chưa đủ tuổi thành niên là N.C.H (16 tuổi) điều khiển ô tô.

Theo đó, ngày 2/9/2023, ông Nguyễn Chơn Tiên điều khiển xe ô tô BKS 60A-668.00 chở theo con trai là N.C.H lưu thông trên Quốc lộ 1A hướng Đồng Nai - Ninh Thuận. Khi đến địa phận huyện Tuy Phong, do mệt mỏi nên ông Tiên đã giao quyền điều khiển xe ô tô cho con trai là N.C.H, không có giấy phép lái xe ô tô.

Khi H điều khiển xe ô tô được khoảng 5km thì bất ngờ tông vào 5 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở khu vực gần nút giao rẽ vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Hậu quả, 5 người trên các xe máy bị thương với tổng tỷ lệ thương tích là 120%.

Ngoài chị Pil, ông Tiên, ông Lê Văn Thơm (SN 1966, ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng có hành vi giao xe máy cho con trai chưa đủ tuổi thành niên điều khiển là L.N.H (SN 2007).

Theo đó, khoảng 9h45 ngày 28/3/2023, em H.Đ.N. (SN 2007, học sinh lớp 10, ở Gia Lai) điều khiển xe máy BKS 81AA-058.66 lưu thông theo hướng từ quốc lộ 19 đến xã Hneng (huyện Đak Đoa). Khi đến ngã tư đường Trần Hưng Đạo – Trần Phú (thuộc thôn 3, thị trấn Đak Đoa), xe máy của em N va chạm với xe máy BKS 81AA-184.88 do em L.N.H điều khiển lưu thông cùng chiều phía trước, đang chuyển hướng rẽ trái vào đường Trần Phú. Hậu quả, em N bị thương nặng, tử vong sau đó.

Nguyên nhân xảy vụ tai nạn là do em H điều khiển phương tiện chuyển hướng nhưng không giảm tốc độ, không ra tín hiệu xin rẽ, không quan sát trước khi chuyển hướng và chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn em N điều khiển phương tiện không giảm tốc độ khi đến đoạn đường giao nhau và không nhường đường theo quy định; không đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các xe khi tham gia giao thông.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Vào cuộc điều tra, xác minh các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên, lực lượng chức năng xác định chị Pil, ông Tiên, ông Thơm đã có hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Xác định hành vi của 3 phụ huynh đủ yếu tố cấu thành tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo điều 264 Bộ luật Hình sự, cơ quan chức năng đã khởi tố, truy tố họ về tội danh trên.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư (LS) Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin trên báo chí, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, TNGT liên quan đến học sinh độ tuổi từ 6 - 18 tuổi là 881 vụ, làm chết 490 người, bị thương 827 người. Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

“TNGT liên quan học sinh xảy ra hết sức lo ngại khi làm gần 500 em chết mỗi năm và hơn 800 em bị thương, để lại những hậu quả nặng nề đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội”, LS Hòe nói. Và theo LS Hòe, việc người lớn giao xe cho người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển, tùy theo mức độ hành vi, hậu quả xảy ra, người giao xe ngoài việc có thể phải bồi thường dân sự còn bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, Điều 30 và điểm h, khoản 8, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đối với ô tô thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Theo quy định tại Điều 264 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, cha, mẹ mà giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, gây thiệt hại về tài sản… thì có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến cao nhất 7 năm tù.

Ngoài ra, theo LS Hòe, việc cha, mẹ tự nguyện hoặc bỏ mặc con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, ô tô để tham gia giao thông rồi gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo luật hình sự. Thực tế, bố mẹ có thể sử dụng biện pháp khác để ngăn cấm, không cho con chưa đủ điều kiện sử dụng xe máy, ô tô để tham gia giao thông như khóa xe lại, cất chìa khóa…

Để tránh những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng như trên, hạn chế các vụ việc học sinh, người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện gây tai nạn, theo LS Hòe, các cơ sở giáo dục, trường học cần phối hợp với cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các trường học cũng cần phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn với xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn, ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm; không buông lỏng quản lý, phó mặc con cho nhà trường và cơ quan chức năng, bởi trên hết, sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo sức khoẻ và tính mạng của chính con em mình và những người tham gia giao thông khác./.