1. Trang chủ /
  2. Gìn giữ và trao truyền làn điệu chèo

Gìn giữ và trao truyền làn điệu chèo

thứ tư, 3/4/2024 13:49 GMT+07
Những làn điệu chèo cổ được người dân Đồng bằng Bắc Bộ lưu giữ như một nghệ thuật tiêu biểu, di sản văn hóa quý báu của người dân tộc. Trao truyền các thế hệ, người dân đã đưa nghệ thuật chèo chất chứa hồn Đồng bằng Bắc Bộ lan tỏa, vang xa. Hiện Việt Nam đang xúc tiến gửi hồ sơ trình UNESCO xét đưa nghệ thuật chèo vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Một buổi biểu diễn của các diễn viên chiếng chèo Khuốc (Thái Bình). (Ảnh: Mai Tú) Một buổi biểu diễn của các diễn viên chiếng chèo Khuốc (Thái Bình). (Ảnh: Mai Tú)

“Tuổi đời” hơn 10 thế kỷ

Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở Đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là Trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Chèo được hình thành từ thế kỷ X, dưới thời nhà Đinh khi Vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo, người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung đã được nhà vua phong chức quan Ưu Bà chuyên truyền dạy nghề múa hát.

Theo sách “Hý phường phả lục” của trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441 - 1496), khoảng niên hiệu Thái Bình (970 - 979), khi biết tin Vua Đinh Tiên Hoàng ban chiếu lệnh tìm người giỏi ca múa, viên quan trấn giữ địa phương Hồng Châu đã tiến cử bà Phạm Thị Trân với triều đình. Bà Phạm Thị Trân, hiệu là Huyền Nữ, người Hồng Châu, phong tư mỹ lệ, giỏi về ca hát, múa nổi tiếng trong các hý phường đương thời. Khoảng năm Thái Bình, quan cai hạt đưa tiến bà vào cung. Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho mời bà về kinh đô Hoa Lư và phong bà chức Ưu Bà, chịu trách nhiệm dạy quân lính múa hát, đánh trống, gẩy đàn, diễn các tích trò, lúc đó gọi là hát trò nhời hay gọi là hát chèo. Cách rước trống chèo thời nhà Đinh của bà Phạm Thị Trân có sức cổ vũ lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Nghệ thuật hát chèo bắt đầu hình thành từ thời đó.

Chèo mang tính quần chúng và thường gắn với các lễ hội dân gian nhằm tạ ơn thần thánh phù hộ cho vụ mùa bội thu, dân làng no ấm và để những người nông dân thường ngày chân lấm tay bùn có thể giao lưu, cất lên tiếng lòng của mình.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ X đến nay, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội, miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam: Lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó cũng có những vở chèo mang tính hài hước, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Cũng chính vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong chèo có đầy đủ thể loại văn học: trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn.

Ước tính có khoảng trên 200 làn điệu chèo, chủ yếu được hình thành và bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, ca dao, thơ giàu chất văn học đằm thắm trữ tình. Chèo sử dụng nhạc cụ dây là đàn nguyệt, đàn nhị và đàn bầu, đồng thời thêm cả sáo. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ.

Gìn giữ và trao truyền

Thế kỷ XXI, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, sự biến thiên của cuộc sống và sự xuất hiện của các dòng nhạc mới, nhiều người đang dần quên đi những trò chơi dân gian, làn điệu cổ truyền mà ông cha đã dày công gìn giữ.

Làm thế nào để gìn giữ di sản nghệ thuật truyền thống luôn được các địa phương và người yêu chèo quan tâm. Mới đây, ngày 29/3/2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2082 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc gửi hồ sơ “Nghệ thuật chèo” trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), đưa Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật chèo” vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, phong trào hát chèo của các tỉnh diễn ra sôi nổi thông qua hàng ngàn câu lạc bộ dân ca, góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống.

Từ lâu, chèo đã được coi là “đặc sản” tinh thần của người dân Thái Bình. Toàn tỉnh hiện có 234 câu lạc bộ (CLB) chèo; 100% trường học đưa hát chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy. Năm 2023, nghệ thuật chèo ở tỉnh Thái Bình được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người dân làng nơi đây, từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể ngân nga ít thì vài ba câu hát, nhiều thì thuộc lòng cả chục vở chèo cổ. Tại tỉnh Ninh Bình cũng có những CLB chèo phát triển như CLB chèo làng Đông (xã Ninh An, huyện Hoa Lư. CLB chèo làng Đông hiện có 20 thành viên, người cao tuổi nhất đã ngoài 80, người trẻ nhất hơn 30 tuổi.

Ngoài lo ngại việc cách tân, lai tạp, đánh mất bản sắc của làn điệu chèo cổ, một nỗi lo nữa là kinh phí để duy trì hoạt động của các CLB chèo còn rất hạn hẹp, chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân chèo gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều CLB không có kinh phí để duy trì hoạt động. Mọi chi phí từ mua trang phục, đạo cụ... đều do các thành viên tự đóng góp nên rất hạn chế.

Hơn nữa, tất cả các thành viên trong CLB đều phải hàng ngày lao động mưu sinh. Người gắn bó với nghề nông, người là công nhân tại các khu công nghiệp nên thời gian tập luyện không có nhiều. Để hoàn thành được một vở hát biểu diễn tại các sân khấu của huyện, của xã, các CLB phải dành cả tháng tập luyện. Hơn ai hết, các nghệ nhân, chủ nhiệm CLB mong muốn được các địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, động viên tinh thần, để họ thêm động lực góp phần “đánh thức” niềm đam mê và không ngừng bồi đắp tâm hồn, năng khiếu cho thế hệ trẻ.