Hà Nam: Cần làm rõ những “bất thường” trong hoạt động đấu thầu
Không đủ điều kiện vẫn trúng thầu
Ngày 21/3/2022, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đăng tải hồ sơ mời thầu (E-HSMT) gói thầu “Thi công xây lắp (đã bao gồm cả đảm bảo an toàn giao thông) dự án Cải tạo, nâng cấp đường trục thị trấn Bình Mỹ, đoạn từ cầu An Dương đến cống BH15-9”, bên mời thầu là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và thương mại Tây Tiến do ông Nguyễn Minh Tiến làm đại diện pháp luật.
Theo đó, Công ty TNHH Thành Mạnh 333 trúng thầu với giá 12.889.088.000 VNĐ (Giá gói thầu 12.955.522.000 VNĐ) phê duyệt ngày 29/3/2022 thực hiện trong 180 ngày (do ông Phạm Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Mỹ ký). Theo đó, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 66,43 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm là 0,51%.
Được biết, các quyết định của UBND thị trấn Bình Mỹ nêu rõ yêu cầu: Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự: Số lượng hợp đồng bằng 2 hoặc khác 2, ít nhất có 01 hợp đồng với giá trị tối thiểu là 9.710.000.000 VNĐ và tổng giá trị tất cả các hợp đồng 2 là 19.420.000.000 VNĐ.
Tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Thành Mạnh 333 có địa chỉ tại thôn Thọ Lương, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam. Công ty mới thành lập ngày 21/05/2019 với 7 nhân viên, được phê duyệt trên mạng đấu thầu quốc gia ngày 20/12/2021. Trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhà thầu Công ty TNHH Thành Mạnh 333 có tham gia và trúng duy nhất gói thầu trên.
Dư luận đang đặt câu hỏi: Công ty TNHH Thành Mạnh 333 đã kê khai hợp đồng tương tự gì để có thể trúng gói thầu trên? Liệu có hay không sự “bảo kê” cho Công ty TNHH Thành Mạnh 333 dù không đủ năng lực, kinh nghiệm do chính chủ đầu tư đưa ra mà vẫn có thể trúng thầu? Ai là đứng sau “giật dây” để Công ty TNHH Thành Mạnh 333 trở thành nhà thầu và trúng thầu? Tại sao chỉ có 1 nhà thầu tham dự, trong khi cơ chế là đấu thầu rộng rãi qua mạng? Từ việc không có cạnh tranh trong quá trình đấu thầu thì liệu nhà thầu có nghiêm túc thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu...? Tất cả những nghi vấn đó cần phải được cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam lên tiếng, giải thích rõ ràng đảm bảo môi trường đấu thầu lành mạnh, minh bạch hướng tới có lợi cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Liên tục trúng thầu, tiết kiệm “khiêm tốn”
Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thiên Á (Công ty Thiên Á) có trụ sở tại tổ 4, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, mã số doanh nghiệp 0700688007, trong những năm qua đã tham gia đấu thầu độc lập, liên danh và trúng nhiều gói thầu xây dựng trên địa bàn thành phố Phủ Lý.
Cụ thể, Công ty Thiên Á là 1 nhà thầu “tầm cỡ” khi tham gia 29 gói thầu, trúng tới 25 gói. Tổng giá trị trúng thầu là 153.93 tỷ đồng, tỷ lệ chào giá thấp nhất khi tham gia là 99,53% (chỉ tính dựa trên gói thầu có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu). Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 99,52% (chỉ tính dựa trên gói thầu có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu).
Tháng 3 năm 2022, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thiên Á trúng gói thầu số 03: Thi công xây dựng dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông thị trấn Bình Mỹ đoạn từ đường ĐH.07 huyện Bình Lục đến kênh Đông với giá 12.195.079.000 VNĐ (Giá gói thầu 12.219.597.000 VNĐ) phê duyệt ngày 31/3/2022 thực hiện trong 210 ngày. Tiết kiệm cho ngân sách khoảng 24 triệu đồng, với tỉ lệ siêu thấp 0,2%.
Hay như gói thầu số 05: “Thi công xây dựng + thiết bị dự án: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (phía Đông thị trấn)” được UBND huyện Bình Lục phê duyệt lựa chọn nhà thầu ngày 14/2/2022 là liên danh Công ty TNHH Thương mại đầu tư và xây dựng Thành Nam và Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thiên Á trúng thầu với giá là 19.284.823.000 VNĐ (giá dự toán 19.316.160.000 VNĐ). Theo đó, tiết kiệm ngân sách 31,33 triệu đồng.
Câu chuyện tương tự ở các gói thầu khác như: Dự án Cải tạo trụ sở nhà văn hóa và các hạng mục phụ trợ Trụ sở làm việc Đảng ủy – UBND – HĐND phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý; Gói thầu 04: Xây dựng nhà lớp học 3 tầng 6 phòng và các hạng mục phụ trợ trường tiểu học Tiên Yên, phường Yên Bắc… và nhiều gói thầu khác.
Ngoài ra, thực tế hiện nay, một số bên mời thầu còn đưa ra các tiêu chí gây khó dễ cho một số doanh nghiệp có năng lực nhưng không đáp ứng được tiêu chí bị trượt thầu từ vòng “gửi xe”, từ đó dấy lên nghi ngờ về “nhóm lợi ích” của một số cá nhân, tổ chức trong đấu thầu.
Theo các nhà thầu có kinh nghiệm, cách đưa ra các tiêu chí thầu về cơ bản vẫn là một dạng "cài cắm tiêu chí" để hạn chế sự tham gia của một số nhà thầu, gây cạnh tranh không bình đẳng, tạo lợi thế cho một hoặc một vài nhà thầu quen mặt đã được xác định.
Theo các chuyên gia pháp lý, nhằm ngăn chặn gian lận, bảo đảm môi trường đấu thầu thật sự minh bạch cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với hiệu quả công tác đấu thầu, đồng thời phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm. Ðặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi gian lận theo quy định tại khoản 4 Ðiều 89 Luật Ðấu thầu năm 2013 và áp dụng các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu theo quy định Ðiều 121, Ðiều 122 Nghị định số 63/2014/NÐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Luật sư Lê Hữu Linh (Ðoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Luật Ðấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NÐ-CP năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ðấu thầu năm 2013 về hành vi gian lận trong đấu thầu. Tại điểm c, khoản 4, Ðiều 89, Luật Ðấu thầu năm 2013 quy định việc nghiêm cấm nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Chế tài xử lý đối với hành vi này được quy định rõ tại khoản 1, Ðiều 122, Nghị định số 63/2014/NÐ-CP của Chính phủ là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm.
Để khách quan thông tin, ngày 17/5/2022 phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã về làm việc với ông Phạm Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND thị trấn Bình Mỹ, được ông Tuấn trao đổi sẽ thông báo đơn vị chuyên môn làm việc với phóng viên nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Đấu thầu rộng rãi qua mạng là chủ trương đúng đắn, nâng cao tính minh bạch, công khai, tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh cho các nhà thầu, doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, cùng chung tay phát triển đất nước. Song, ở 1 số trường hợp vẫn còn có biểu hiện của sự “bảo kê”, “nhóm lợi ích” dẫn tới giảm tính lành mạnh trong cạnh tranh, mất cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, thậm chí góp phần làm thiệt hại ngân sách Nhà nước, giảm tín nhiệm của người dân, doanh nghiệp vào vai trò quản lý Nhà nước, dịch vụ công.
Qua sự việc trên, đề nghị UBND tỉnh Hà Nam cần có sự chỉ đạo kịp thời, xác minh phản ánh của dư luận, kịp thời ngăn chặn những sai phạm (nếu có) trong công tác đấu thầu trên địa bàn, đảm bảo thượng tôn pháp luật, cạnh tranh công bằng.
Báo điện tử Xây dựng tiếp tục thông tin.