Hà Nội: 7 dự án được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai
Theo tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có thêm 7 dự án đủ điều kiện được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh Bất động sản.
Với công bố này, dự kiến trong thời gian tới sẽ bổ sung cho thị trường một lượng nguồn cung nhất định khi thị trường bất động sản tại Hà Nội đang thiếu hụt về nguồn cung.
Trong số 7 dự án, có 1 dự án là nhà ở xã hội, còn lại là các dự án thương mại. Cụ thể, tại quận Thanh Xuân có 2 dự án (Tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora ở Triều Khúc và Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Viha Complex ở phố Nguyễn Tuân).
Quận Nam Từ Liêm có 2 dự án (Nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc quỹ đất 20% của dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, Tòa chung cư U38.1 thuộc lô đất F3-CH02 của dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ-Vinhomes Park).
Tại quận Đống Đa có dự án tổ hợp nhà ở và văn phòng Miracle Tower; quận Long Biên có dự án nhà ở cao tầng để bán tại ô đất CT7 phường Phúc Đồng; huyện Thường Tín có dự án nhà ở thấp tầng để bán đối với các ô đất OM.20,OM.24, OM.25, OM.26, OM.27, OM.28 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất cả lô tại khu đất ký hiệu L.27 (đô thị số 1).
Báo cáo Thị trường Bất động sản của Savills Việt Nam mới đây cho thấy, thị trường căn hộ tại Hà Nội trong quý 1/2023 vẫn tiếp tục khó khăn.
Đáng chú ý, nguồn cung sơ cấp giảm 4% theo quý và theo năm, đạt 19.483 căn; trong đó, nguồn cung mới chỉ đạt hơn 2.040 căn hộ tới từ 2 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án, giảm 30% theo quý và 27% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 52 triệu đồng/m2, ổn định theo quý và tăng 22% theo năm.
Tình trạng mất cân đối nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi đó, nguồn cầu về nhà ở sẽ có xu hướng gia tăng mạnh trong tương lai. Dự kiến, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội sẽ đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030.
Theo nhận định của Savills Hà Nội, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh sẽ tạo ra những tác động tới bức tranh chung về xã hội đối với một thành phố. Do vậy, việc khan hiếm nguồn cung về nhà ở có khả năng dẫn tới những vấn đề liên quan tới an sinh xã hội như hình thành các "khu ổ chuột" hay gia tăng các tệ nạn liên quan.
"Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đòi hỏi thành phố Hà Nội sẽ phải có những bước tính toán cụ thể, từng bước một để giải quyết những tồn tại, vướng mắc hiện nay. Việc các dự án đủ điều kiện được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai sẽ mang lại một nguồn cung cho thị trường, do đó, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư," một chuyên gia nhìn nhận.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng vừa công bố danh sách dự án cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn thành phố. Đó là các dự án Nhà ở cao tầng C1-CT thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (xã Vân Canh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức); Tòa nhà thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủ đô II (đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm); Tổ hợp chung cư cao cấp N01-T5 Khu Đoàn ngoại giao (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng. Hoài Đức) của Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư An Lạc. Số lượng bán không quá 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà.
Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 8 dự án cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở, gồm nhà ở cao tầng N03-T3&T4 khu Đoàn Ngoại Giao (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), Dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh (số 55 đường K2 phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm), Chung cư cao tầng lô HH4 và HH5 thuộc dự án Khai Sơn City (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), Tòa nhà chung cư NO-02, NO-04 thuộc dự án nhà ở thấp tầng và khu tái định cư kết hợp thương mại (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).../.