HÀ NỘI: Chuyển biến tích cực sau 10 năm thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
PBGDPL là nhiệm vụ chính trị pháp lý quan trọng
Xác định phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ chính trị pháp lý của luật sư nên ngoài việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo kế hoạch định kỳ, Đoàn Luật sư Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các vấn đề có tính thời sự, đang được dư luận xã hội quan tâm. Mỗi năm, Đoàn Luật sư Hà Nội đã thực hiện trên dưới 10.000 lượt tuyên truyền PBGDPL, tư vấn pháp luật miễn phí và trợ giúp pháp lý cho các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân các địa phương.
Nếu như những năm trước đây, việc tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện chủ yếu qua hình thức trực tiếp, thì đến nay, Đoàn Luật sư Hà Nội đã tham gia tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng khác nhau như trực tuyến qua phần mềm zoom, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt các hình thức này được thực hiện rộng rãi và có hiệu quả trong thời kỳ dịch bệnh phức tạp. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 hàng năm, Đoàn Luật sư Hà Nội đều thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý trong thời gian này, kết hợp trao quà từ thiện tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.
Đối với các đơn vị Hội Luật gia thành phố Hà Nội, trong 10 năm qua đã tổ chức và phối hợp tổ chức 3.014 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, thu hút hơn 600.000 lượt người tham dự; phát gần 700.000 tờ gấp pháp luật, 1.400 cuốn Hỏi đáp pháp luật, 15.800 cuốn bản tin luật gia thủ đô làm tài liệu tuyên truyền cho hội luật gia cơ sở.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội luật gia là thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho tổ chức và cá nhân. 10 năm qua, Trung tâm tư vấn pháp luật - Hội Luật gia thành phố Hà Nội và các đơn vị hội luật gia trên địa bàn Hà Nội đã tư vấn pháp luật được hơn 30.000 vụ việc; thực hiện 301 cuộc PBGDPL, trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn, các trường học trên địa bàn.
Chú trọng đổi mới hình thức PBGDPL
Tại các quận, huyện của thành phố Hà Nội, sau 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Như tại quận Long Biên, cùng với việc tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức truyền thống như hội nghị, hội thảo, sử dụng đài truyền thanh của các phường, quận đã đẩy mạnh công nghệ thông tin vào trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Trong đó phải kể đến mô hình “Cầu thang pháp luật” và màn hình led tại các thang máy nhà chung cư được áp dụng cho hiệu quả rõ nét.
Tương tự, hình thức PBGDPL tại huyện Phú Xuyên cũng không ngừng được đổi mới, ngày càng đa dạng, thiết thực. Theo đó, Hội đồng PBGDPL huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL thông qua mạng xã hội như các trang fanpage của các cơ quan, tổ chức và các nhóm zalo trong từng nhóm đối tượng cụ thể đã phát huy hiệu quả tích cực. Đồng thời, tổ chức 30 cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức viết bài, sân khấu hoá thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân, cán bộ tham gia. Cùng với đó, các hoạt động sinh hoạt Ngày Pháp luật Việt Nam được các cơ quan, đơn vị triển khai phù hợp, hiệu quả. Nhiều mô hình câu lạc bộ sinh hoạt pháp luật được thành lập như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, câu lạc bộ “phòng chống tệ nạn xã hội”… cũng là một kênh thông tin, tuyên truyền hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị của huyện Gia Lâm cũng đã tích cực tham gia các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Bộ Tư pháp, UBND thành phố và các ngành đoàn thể phát động, đồng thời chủ động tích cực tổ chức các cuộc thi cấp huyện. Huyện cũng thường xuyên tuyên truyền trên Đài phát thanh của huyện và Đài truyền thanh các xã, thị trấn; hàng tuần, duy trì Chương trình phát thanh “Giới thiệu pháp luật” vào Chủ nhật và phát lại vào ngày Thứ Hai; hàng ngày dành thời lượng 10 - 15 phút để tuyên truyền các văn bản pháp luật trên đài phát thanh huyện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác PBGDPL và công tác tư pháp, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 250 ra ngày 7/9/2022)