1. Trang chủ /
  2. Hà Nội ghi nhận thêm hơn 2.600 ca mắc sốt xuất huyết

Hà Nội ghi nhận thêm hơn 2.600 ca mắc sốt xuất huyết

thứ tư, 18/10/2023 09:12 GMT+07
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 6 đến 13/10), Hà Nội ghi nhận 2.601 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, quận Hà Đông ghi nhận nhiều ca mắc nhất với 250 ca, tiếp đến là huyện Phú Xuyên 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca…
Tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 20.548 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.

Tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết.

Cũng theo CDC Hà Nội, tuần qua, Thành phố ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay. Trong đó, Cầu Giấy 15 ổ dịch, Thanh Trì 14 ổ dịch, Bắc Từ Liêm 13 ổ dịch. Còn lại các quận, huyện Hà Đông, Quốc Oai, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thường Tín, Mê Linh ghi nhận từ 6 đến 9 ổ dịch…

Ngành Y tế Hà Nội cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận 1.305 ổ dịch. Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện. Trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 523 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 396 bệnh nhân…

Các chuyên gia y tế nhận định, thời tiết giao mùa như hiện nay, mưa và nắng đan xen tạo thuận lợi cho muỗi phát triển. Chỉ khi thời tiết chuyển lạnh mới góp phần hạn chế được sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, công tác phòng, chống dịch phải chủ động và quyết liệt. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt loăng quăng, bọ gậy và muỗi. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc phun hoá chất diệt muỗi.

Khi có biểu hiện sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu, chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị, truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid tại nhà.