Hà Nội hạn chế thấp nhất bệnh thành tích trong giáo dục
Ngày 15/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Xây dựng nhiều trường học mới
Báo cáo kết quả năm học 2021- 2022, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, tính đến hết tháng 6, toàn TP có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các bộ, ngành trên địa bàn TP với gần 1 triệu sinh viên, học viên.
TP có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên.
Điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm học qua là chất lượng giáo dục các cấp học từng bước được nâng lên. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Năm học 2021-2022, Hà Nội xây mới, thành lập mới 6 trường học; cải tạo, sửa chữa 45 trường; bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.
Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học; cải tạo, sửa chữa được 560 trường; bố trí 1.260 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6...
100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nội đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,1% với số bài thi đạt điểm 9, 10 tăng lên đáng kể so với năm trước với 1 học sinh đạt Thủ khoa toàn quốc với điểm tuyệt đối tổ hợp A00.
Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2022-2023 đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Phát triển thực chất giáo dục
Dự và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị giáo dục Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện 6 nội dung trong năm học tới. Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, quan tâm chăm lo đội ngũ giáo viên; chú ý trong các khâu xã hội hóa và huy động nguồn lực chăm lo cho giáo dục; tổ chức kiểm định chất lượng, xây trường chuẩn Quốc gia và đổi mới công tác quản trị trường học.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề cập đến một số hạn chế, tồn tại, yêu cầu ngành phải có giải pháp khắc phục như: Vấn đề tâm lý học đường, mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội, cơ sở vật chất còn thiếu…
Theo ông Nguyễn Văn Phong, chất lượng giáo dục của Hà Nội còn đặt ra nhiều vấn đề và cần bình tĩnh đánh giá, nhìn nhận lại chất lượng từ giáo dục mũi nhọn đến giáo dục đại trà; qua đó thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao, cải thiện chất lượng giáo dục, bao gồm cả chất lượng giáo viên.
Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, ngành GD&ĐT Thủ đô xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên, phát triển thực chất giáo dục để giáo dục Hà Nội ngang hàng với giáo dục của các Thủ đô, các nước lớn trong khu vực và thế giới.
Cùng với đó, đưa giáo dục sáng tạo vào chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng giáo dục lịch sử, văn hóa ở từng địa phương, nâng cao giáo dục truyền thống cho học sinh để tạo sự khác biệt cho giáo dục Hà Nội.
Nhắc lại Hà Nội đứng vị trí 25 cả nước tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, ông Phong bày tỏ, tuy không quá nặng nề về thứ hạng nhưng giáo dục Hà Nội cần đánh giá vì sao lại có kết quả như vậy và định hướng giáo dục Thủ đô tập trung 3 việc.
Trong đó, phải tiên phong, đột phá về hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất cách thức, cơ chế chính sách mới về giáo dục, có cơ chế quản lý để tạo điều kiện cho các nhà trường phát triển; quan tâm chất lượng cả giáo dục mũi nhọn và đại trà vì khoảng cách giáo dục giữa các khu vực còn rất lớn.
Phó Bí thư Thành ủy bày tỏ mong muốn, giáo dục Thủ đô là nền giáo dục thực sự sáng tạo, thực chất, hạn chế thấp nhất bệnh thành tích; quan tâm bồi dưỡng trách nhiệm, ý thức chính trị cho học sinh THPT, nâng cao số lượng học sinh tiêu biểu được đứng trong hàng ngũ của Đảng… để đưa giáo dục Hà Nội bền vững, thực sự tiêu biểu cho giáo dục cả nước.